Thống kê nông sản Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm, sang Đông Nam Á tăng mạnh

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm, sang Đông Nam Á tăng mạnh

Author Thủy Chung, publish date Friday. October 9th, 2020

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm, sang Đông Nam Á tăng mạnh

Xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2020 sang Trung Quốc giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng mạnh 99%

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2020 của cả nước đạt trên 2,25 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 8/2020 đạt 276,02 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2020 và cũng tăng 2,7% so với tháng 8/2019. Uớc tính, xuất khẩu hàng rau quả tháng 9/2020 đạt 250 triệu USD, giảm 9,4% so với tháng 8/2020 và giảm 7,2% so với tháng 9/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc – thị trường hàng đầu đạt trên 1,31 tỷ USD trong 8 tháng, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 58,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Tiếp sau đó là thị trường Đông Nam Á đạt 188,93 triệu USD, chiếm 8,4%, tăng mạnh 99%. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 105,22 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ; thị trường Thái Lan tăng 229,5%, đạt 102,95 triệu USD, chiếm 4,6%; EU đạt 99,35 triệu USD, giảm 2,9%.

Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2002 xuất khẩu rau quả sang đa số thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh ở một só thị trường: Thái Lan tăng 229,5%, đạt 102,95 triệu USD; Campuchia tăng 158%, đạt 4,82 triệu USD; Indonesia tăng 101,7%, đạt 3,9 triệu USD.

Các chủng loại quả đóng góp vào mức tăng trưởng chung toàn ngành trong tháng 8, gồm: Thanh long, xoài, chuối, dừa, mít, sầu riêng, chanh leo, nhãn… Thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính, trị giá chiếm 51,8% tổng xuất khẩu chủng loại quả. Xuất khẩu thanh long chủ yếu tới thị trường Trung Quốc đạt 127,4 triệu USD, tăng 7,0% so với tháng 8/2019, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Hoạt động thông quan thuận lợi và nhu cầu tăng tại Trung Quốc là yếu tố chính làm tăng trị giá xuất khẩu thanh long trong tháng 8/2020. Song, việc tiêu thụ thanh long ở thị trường Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái khiến không ổn định. Do vậy, cần đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch để giữ vững thị trường truyền thống là Trung Quốc, và mở rộng ra các thị trường mới như: Úc, New Zealand, EU…

Từ khi EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện cho rau, quả của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, những ngày gần đây nhiều loại trái cây của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc tiến đến giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường này.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường năng động mang đến những cơ hội lớn cho thương mại rau, quả. Trong khối EU, Hà Lan là nơi có dung lượng nhập khẩu nông sản từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua. Do vậy, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu Châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, quả. Hiện nay, Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho Châu Âu vào EU thông qua Hà Lan.

Theo ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả và chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. Song, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau, quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới, mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.

EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp, bởi khi xuất khẩu sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả ngành rau quả, cho nên sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc đối với ngành rau, quả Việt Nam.

Dự kiến xuất khẩu rau, quả sang EU thời gian tới sẽ khởi sắc. Dù là thị trường xuất khẩu rau, quả đầy tiềm năng nhưng lượng rau, quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08%/ tổng lượng nhập khẩu của EU. Trong nhóm rau, quả tươi xuất khẩu sang khu vực EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài...


Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 dự kiến đạt 40 tỉ USD Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020… Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 9/2020 tăng 5% Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong…