Xuất khẩu thủy sản: lánh khó, tìm dễ không phải là giải pháp
Bỏ thị trường xa, truyền thống chỉ vì tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn để quay lại những thị trường gần, dễ tính là giải pháp quá dễ. Về lâu dài, đây là giải pháp tiềm ẩn rủi ro khó lường!
Hội chợ Vietfish 2016 chứng kiến làn sóng thương nhân Trung Quốc đổ xô sang vét thủy sản “tận đáy nồi”, xu hướng năm nay cũng không khác.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu thuỷ sản cho thấy thực tế doanh nghiệp (DN) đang bỏ dần thị trường truyền thống xa xôi như EU, Mỹ để quay về khu vực gần là châu Á, trong đó Trung Quốc (TQ) chiếm đa số. Đây có phải là cách tiếp cận khôn ngoan?
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa mới thống kê kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thuỷ sản tháng 8/2017 đạt 749 triệu USD. Như vậy, luỹ kế 8 tháng đầu năm, thuỷ sản mang về 5,13 tỉ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, Mỹ, Nhật, TQ và Hàn là bốn thị trường nhập khẩu chiếm tới 55,6% giá trị. Riêng TQ, 8 tháng đầu năm nhập khẩu tăng 57,2%…
Không phải đến hơn nửa chặng đường xuất khẩu năm nay thị trường TQ mới trở thành tâm điểm của ngành thuỷ sản, mà cách nay hai ba năm, con cá, con tôm, hải sản đã được DN ồ ạt bán sang đây rồi. Tại sao vậy? Vì thị trường hơn tỉ dân này có nhu cầu lớn hơn bất cứ nơi nào. Đường đi cũng gần hơn bán sang EU, Mỹ. Thói quen tiêu dùng dễ tính, giá cả phù hợp, thanh toán nhanh… Nói tóm lại, TQ là thị trường đang hấp dẫn DN thuỷ sản.
Chỉ có điều, theo thống kê, việc cán cân giá trị đang nghiêng hẳn sang TQ là đáng lo ngại. Ông Năm Hà, một Việt kiều ở New Orleans, bang Louisiana vừa về Việt Nam dự Vietfish 2017 (diễn ra ngày 29/8), thông tin con cá tra đang là hàng hiếm tại Mỹ. Là vì sau 2/8, chính quyền Mỹ áp dụng luật Nông trại, kiểm tra 100% lô hàng cá tra từ Việt Nam, khiến tình hình xuất khẩu khó hơn, chi phí đội lên rất nhiều. Trước đây, nếu như các lô hàng tới cảng Mỹ liền được hải quan thông quan, nay, cơ quan chức năng buộc phải đưa vào kho, chờ lấy kết quả kiểm tra. Trường hợp nào “hên” lắm, không bị lấy mẫu thì cũng phải USDA đóng dấu lên bao bì, thời gian chờ khá lâu, tốn chi phí kho bãi. Đổi lại, theo ông Năm Hà, các thủ tục ngặt nghèo lại đang tạo ra tình trạng khan hàng, giá tăng lên hơn 4 USD/kg, thay vì chỉ có dưới 3 USD như trước.
Giá cá tra xuất vào Mỹ cao, tăng đột biến là hợp lý, bởi theo phân tích của DN, phải gánh tất cả các chi phí tăng thêm khi Mỹ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng. Ngoài chi phí tại Việt Nam, nếu kiểm tra 100% thì người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm phí kiểm định mẫu, phí lưu kho, phí trễ đơn hàng và có khi, cả phí rủi ro hàng bị trả về. Nước Mỹ muốn an toàn thì họ phải trả thêm tiền, đó là lẽ thường. Chúng ta cũng đừng lo lắng con cá tra sẽ khó cạnh tranh khi phải “cõng” một khối chi lớn như vậy, bởi ngoài con cá tra, Mỹ cũng đồng thời áp dụng kiểm soát với tất cả các sản phẩm thuỷ sản, thực phẩm của các nước. Chi phí “đội” lên là như nhau. Hơn nữa, cá tra vào Mỹ mấy chục năm nay, đã định hình phân khúc tiêu dùng trong lòng nước Mỹ, giờ muốn thay đổi cũng không dễ.
Nhiều DN thừa nhận xuất khẩu cá tra vào Mỹ nếu “lọt” được container nào thì sẽ lời khủng khiếp nhưng bù lại, phải gánh rủi ro vô cùng lớn. Rủi ro đến từ dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu, sai quy cách độ ẩm, bao bì… Chính vì vậy, thay vì đánh cược với may rủi, nhiều DN buộc phải chọn lựa giải pháp an toàn: giảm sản lượng xuất khẩu. Nhưng bằng kinh nghiệm nhiều năm buôn bán cá tra tại Mỹ, ông Năm Hà khẳng định rằng, nếu DN thấy khó khăn trước mắt mà buông thị trường Mỹ là sai lầm, bởi không gì thì Mỹ vẫn là thị trường minh bạch và sòng phẳng.
“Minh bạch là chất lượng hàng hoá phải rõ ràng, công khai, đáp ứng các tiêu chuẩn. Còn sòng phẳng là khi hàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì thị trường sẽ trả giá cao hơn”, ông Năm Hà phân tích.
Thực vậy, mặc dù thị trường TQ đang có sức hút ghê gớm đối với con cá tra, nhưng giá bán lại thấp hơn gần một nửa so với Mỹ. Nếu như Mỹ kiểm tra các chỉ tiêu kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu ở giới hạn phần tỉ, thì TQ hầu như không đả động gì đến. Mỹ cũng quy định độ ẩm không vượt quá 86% thì có phân khúc, như cá philê, TQ cho phép cao hơn và vô tư… quay tăng trọng. Xuất hàng vào Mỹ sau ngày 2/8, DN còn bị ràng buộc bởi các quy định bao bì, nhãn mác…, còn TQ có thể làm theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu.
Giám đốc một DN xuất khẩu cá tra cho biết, bán hàng vào Mỹ, EU khó bao nhiêu thì sang TQ dễ bấy nhiêu. Cũng vì lối suy nghĩ này, nên hiện có khá nhiều DN trước đây vẫn coi Mỹ, EU là thị trường truyền thống, nay cũng đặt thêm trọng tâm phát triển thị trường TQ. Hồi tháng 5, Vĩnh Hoàn, công ty nắm thị phần xuất khẩu cá tra hàng đầu, có hơn 50% doanh số tại Mỹ, nhưng trong báo cáo tại đại hội cổ đông cũng nêu mục tiêu tăng doanh số hơn 60% tại thị trường TQ trong năm 2017. Đến hết tháng 4/2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn tại TQ đã chiếm 8% tổng doanh số, cho thấy công ty này đang quay lại TQ khá mạnh mẽ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao