Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Nhưng Chưa Vội Mừng

Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Nhưng Chưa Vội Mừng

Publish date Sunday. February 9th, 2014

Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Nhưng Chưa Vội Mừng

Trở ngại lớn nhất trong việc giao thương với Trung Quốc hiện nay là đàm phán, buôn bán.

Theo VASEP, năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước tiêu thụ lớn thứ tư của thủy sản Việt Nam. Tôm là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, hiện chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Trung Quốc là một trong những thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 5, chiếm 6,7% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu là dạng nguyên liệu, giá trị không cao.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 4 nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 11,2% tỷ trọng. Xuất khẩu tôm sang thị trường này liên tục tăng qua các năm. Tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Tính đến năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tăng gấp 20 lần so với năm 2003, đạt khoảng 400 tỷ USD.

Năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh là do năm 2013, sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này gia tăng.

Giá tôm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khá ổn định, không có nhiều biến động. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, giá tôm tăng từ 6,53 USD/kg lên mức cao nhất là 8,68 USD/kg năm 2002 rồi giảm xuống trong những năm tiếp theo. Từ năm 2006 đến 2012, giá tôm xuất khẩu sang thị trường này được duy trì trong khoảng 7,5 USD đến 8,5 USD/kg và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc so với Thái Lan cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá tôm Việt Nam đang có xu hướng tăng cao hơn giá tôm của Thái Lan và một số đối thủ cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Trong lúc kinh tế đang khủng hoảng thì các nhà nhập khẩu quan tâm nhiều đến giá cả hơn là chất lượng. Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của mặt hàng tôm trên thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới và nước này đang hướng tới mục tiêu sản xuất hơn 60 triệu tấn thủy sản vào năm 2015. Ngân hàng đầu tư Rabobank đánh giá, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt 20 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 8 tỷ USD năm 2012.

Phân tích về những thuận lợi khi xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc, VASEP cho rằng, đây là một thị trường rộng lớn và tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh. Nhu cầu về thủy sản của Trung Quốc tăng cao với chất lượng từ thấp đến cao. Yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật không cao như các thị trường khác.

Theo các doanh nghiệp Việt Nam, trở ngại lớn nhất trong việc giao thương với Trung Quốc hiện nay là đàm phán, buôn bán. Người Trung Quốc có thói quen mặc cả rất nhiều do vậy “giá chót" thực tế mới là giá khởi điểm để đàm phán. Điều này, đòi hỏi các chuyên viên đàm phán của ta phải rất nhẫn nại, phải xác định được đối tác có phải là người quyết định cuối cùng không.

Ngoài ra, Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế. Và hầu như Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng L/C. Hơn nữa, mức thuế đánh vào mặt hàng hải sản nhập khẩu thường cao hơn thị trường Mỹ, Nhật và các nước châu Á khác.

Về phía Việt Nam, trở ngại lớn nhất là thủ tục hải quan tại các cửa khẩu. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn lấn cấn về qui chế, chính sách, không linh hoạt, thông thoáng như phía Trung Quốc. Họ không quan tâm đến chính ngạch và tiểu ngạch, miễn có lợi là làm. Họ sẵn sàng đưa cơ chế vào chỗ khó khăn, ví dụ hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Luân chịu thuế 100% thì qua bằng đường sông chỉ 50%.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao, không sử dụng hết lực lượng lao động trong nước. Bên cạnh đó, do DN thiếu thông tin về xu hướng và biến động của thị trường nên dễ gặp rủi ro.

Đặc biệt, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu như tôm, mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến nhiều DN Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác khác.

Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. Khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam.


GODACO Dự Kiến Xuất Khẩu Đạt 80 Triệu USD Năm 2014 GODACO Dự Kiến Xuất Khẩu Đạt 80 Triệu… Cơ Hội Cho Hàng Thủy Sản Việt Nam Sang Trung Quốc Cơ Hội Cho Hàng Thủy Sản Việt Nam…