Xuất khẩu tôm sẽ sôi động trở lại vào nửa cuối năm
Xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh lan ra toàn cầu. Nhưng hy vọng thị trường tôm sẽ sôi động trở lại từ sau quý 2, khi dịch bệnh lắng xuống.
Gặp khó từ tháng 3
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 383 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ về giá trị, chủ yếu nhờ các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 78,8 triệu USD, tăng 16,5%; xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 74,2 triệu USD, tăng 22,3%; xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt hơn 46 triệu USD, tăng 12,4%…
Nhờ sự tăng trưởng tốt ở những thị trường nói trên, nên dù xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bị giảm 37,5% do dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu tôm nói chung vẫn tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, xuất khẩu tôm đã gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 đã lan rộng ra toàn cầu, nhất là đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thị trường chủ lực như EU, Mỹ…
Theo VASEP, khi châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường này đã bị hoãn hoặc dừng đơn hàng do nhà nhập khẩu không bán được hàng và tồn kho cao.
Thông tin từ Công ty Fimex Việt Nam cho thấy cụ thể về tình trạng này. Trong quý 1 vừa rồi, doanh số xuất khẩu tôm của công ty này chỉ đạt 30,7 triệu USD bằng khoảng 95% so cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây sụt giảm là do một ít hợp đồng ở EU bị ngưng giao bởi tình hình Covid-19.
Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho thấy, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký hiện chỉ ở mức 30-50%, tỷ lệ các đơn hàng bị nhà nhập khẩu yêu cầu hoãn hoặc hủy giao hàng từ 20-40%.
Trong khi đó, các đơn hàng ký mới rất ít. Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… là những thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng nhiều nhất vì dịch Covid-19.
Chính vì vậy, trong tháng 3, giá trị xuất khẩu tôm đã giảm 15% so với cùng kỳ 2019, khi chỉ đạt 208 triệu USD. Giảm mạnh nhất là tôm sú, với mức giảm tới 29,3%.
Điều này là dễ hiểu, bởi tôm sú chủ yếu cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, quán ăn, mà trong bối cảnh dịch bệnh, hàng loạt hệ thống nhà hàng, quán ăn ở các nước đang buộc phải đóng cửa.
Do giảm mạnh trong tháng 3, nên tính chung cả quý 1, xuất khẩu tôm đã giảm nhẹ 4,3% về giá trị so với quý 1/2019.
Ngành tôm các nước đều ảnh hưởng nặng
Covid-19 không chỉ đang gây khó khăn cho ngành tôm Việt Nam, mà ngành tôm của các nước xuất khẩu lớn khác cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Giá tôm ở Ấn Độ và Ecuador đều đã giảm mạnh.
Cụ thể, vào giữa tháng 3, giá tôm thẻ loại 40 con/kg tại Andhra Pradesh (Ấn Độ) đã giảm 14% so với cuối tháng 2, tôm loại 60 con/kg giảm 21%. Ngày 20/3, giá tôm các loại của Ecuador giảm khoảng 15% so với 2 tuần trước đó.
Hy vọng sôi động trở lại sau quý 2
Trước tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, bán hàng và xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước, đầu tư vào chế biến sâu để cung cấp cho phân khúc bán lẻ ở các thị trường nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường giữ liên hệ với các nhà nhập khẩu nhằm nắm bắt kịp thời tình hình tiêu thụ, qua đó thực hiện xuất hàng nhanh nhất có thể để giảm thiểu rủi ro…
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành tôm, nếu hết quý 2 này, tình hình dịch bệnh Covid-19 lắng xuống trên toàn cầu, thì nhu cầu nhập khẩu tôm sẽ sôi động trở lại.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch trữ sẵn tôm nguyên liệu để có hàng cung ứng ngay khi nhu cầu thế giới bắt đầu hồi phục.
Theo Ngân hàng Rabobank , số đơn đặt hàng mua tôm giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay chắc sẽ ảnh hưởng tới giá tôm trong 6 tháng cuối năm, vì lượng tôm dư cung hiện nay sẽ được tích lại trong kho lạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá tôm thấp có thể sẽ kéo dài. Nhưng nhiều khả năng khi dịch bệnh qua đi mà nguồn cung giảm mạnh vào cuối năm do sản lượng giảm ở nhiều nước, giá tôm sẽ tăng mạnh trở lại.
Một điều đáng lưu ý là Ấn Độ, nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong nuôi tôm năm nay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại tỉnh Gujurat (Ấn Độ), nơi 100% tôm giống được vận chuyển đến bằng đường hàng không, việc thả tôm giống đang bị ngừng trệ do các chuyến bay nội địa bị tạm dừng khi nước này phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19.
Trên 90% nhà máy chế biến tôm ở tỉnh này đang dừng hoạt động do thiếu lao động và khó khăn trong vận chuyển, cũng bởi lệnh phong tỏa nói trên. Tháng 3 lại là thời gian cao điểm về thả tôm giống vụ hè của Ấn Độ.
Do đó, nhiều khả năng sản lượng tôm vụ hè của nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa cả nước.
Trong báo cáo thường niên mới đây của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn này cho biết, Ấn Độ mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá bán nhờ giá thành nuôi tôm thấp nhưng sản lượng tôm của quốc gia này có mức tăng trưởng không ổn định do chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thời tiết và dịch bệnh.
Sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2020 được dự báo giảm sẽ là cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu tôm và các mặt hàng thủy sản khác, trong đó có Việt Nam, để gia tăng thị phần.
Nhiều nước sản xuất tôm tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng về sản lượng trong vài tháng tới, do yêu cầu phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Ngành tôm Ecuador, một trong những đối thủ lớn của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng đang ít nhiều gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại nước này.
Nỗi lo thiếu tôm nguyên liệu
Biết rằng thị trường sẽ sôi động trở lại sau khi dịch bệnh lắng xuống, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đang đứng trước nỗi lo thiếu hụt tôm nguyên liệu khi nhu cầu tăng trở lại. Nỗi lo này, trước hết đến từ sản xuất tôm trong nước.
Sản xuất tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng ít nhiều do thời tiết, môi trường, dịch bệnh... Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, hiện virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi ở Sóc Trăng và một số tỉnh khác.
Do những yếu tố bất lợi, cộng với tâm lý e ngại tiêu thụ tôm sẽ khó khăn vì Covid-19, việc thả giống tôm đang khá chậm ở ĐBSCL, nhiều ao tôm đã chuẩn bị xong các điều kiện để thả nuôi nhưng chủ ao vẫn chưa yên tâm xuống giống.
Ông Lực cho rằng việc thả chậm vào lúc này là hợp lý, khi mà các yếu tố thời tiết, môi trường… vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ao tôm, nhất là những ao nuôi nhỏ lẻ. Nhưng các doanh nghiệp chế biến lại đang lo lắng vì khoảng 2 tháng nữa, khi vào vụ thu hoạch tôm, sẽ thiếu hụt tôm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.
Sản lượng tôm chân trắng tăng mạnh sau 5 năm
Theo VASEP, trong giai đoạn 2015-2019, ngành tôm Việt Nam đạt tăng trưởng trung bình 4%/năm, gồm: diện tích tăng trung bình 1,4%/năm; sản lượng tăng trung bình 5,7%/năm, chủ yếu nhờ năng suất tôm thẻ chân trắng ngày càng được cải thiện.
Nhờ vậy, trong 5 năm qua, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng trung bình 9%/năm và tăng gần 41% sau 5 năm. Còn sản lượng tôm sú chỉ tăng trung bình 1,2%/năm và tăng 3,1% sau 5 năm.
Các thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam là: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 81-85% tổng giá trị. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%, tiếp đó là EU, Hàn Quốc…
Trong tổng lượng tôm xuất khẩu, tôm đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường như Mỹ, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tại các thị trường chính có FTA với Việt Nam, tôm Việt Nam đang có lợi thế về thuế nhập khẩu so với nhiều nước khác.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao