Xuất khẩu trái cây đừng lấy đá ghè chân mình
Bộ trưởng Yoichi Miyazawa cũng cho biết, sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản về đề nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy mặt hàng nông sản và cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam trong thời gian tới. Như vậy có thêm 2 loại trái cây Việt thâm nhập thị trường khó tính bậc nhất thế giới - Nhật Bản.
Tháng 8.2015, gần 2 tấn nhãn Hưng Yên đã lên đường đi Mỹ. Rồi tháng 6.2015, 2 tấn vải thiều Lục Ngạn được thu mua sang Mỹ, 3 tấn vải được đưa sang Australia và trước nữa, vải đã đi Pháp. Thanh Long thì xuất khẩu lần đầu vào năm 2008, sang thị trường Mỹ.
Từ thời điểm đó, sản lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường này không ngừng gia tăng, từ 100 tấn hồi năm 2008 đã tăng lên hơn 1.000 tấn tính đến hết năm 2014. Tuy bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Mexico nhưng chôm chôm Việt Nam với lợi thế sản xuất được sản phẩm trái vụ nên từ khi được sang Mỹ (tháng 11.2011) đến nay sản lượng chôm chôm xuất khẩu luôn ổn định.
Tính ra, rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu chính được liệt kê là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch. Tuy nhiên những diễn biến đầu năm nay khi hàng nghìn xe hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc cho thấy, thị trường này không còn quá “dễ tính” như trước.
Chưa kể, phía Trung Quốc cũng có nhiều động thái thắt chặt quản lý chất lượng, tăng cường kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Cùng với đó, việc quy phạm hoá, chuẩn hoá thương mại biên giới cũng được chính quyền Trung ương đẩy mạnh khiến các địa phương biên giới cũng chặt chẽ hơn. Còn việc xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường lớn trên thế giới thì khó khăn gấp bội phần.
Ví như quả nhãn và quả vải. Những trái cây miền Bắc này ngoài việc phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì phải đạt yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Quả nhãn Hưng Yên phải đưa vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ khiến chi phí tăng.
Theo một doanh nhân, cộng tất cả chi phí khi tới Australia, vải thiều sẽ có giá ở mức 177.000 đồng/kg. Ngoài chuyện chi phí quá cao, quá nhiều loại chi phí, một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, nhà vườn bán cho thương lái Trung Quốc với số lượng lớn và giá rất rẻ (khoảng 10.000 đồng/kg), trong khi đó bán cho các thương lái Việt Nam với danh nghĩa là xuất khẩu đi Mỹ, Australia thì đắt hơn giá thị trường khoảng 5.000-10.000 đồng/kg.
Thế là các thương lái Trung Quốc cứ ung dung mua số lượng lớn (khoảng 1.000 tấn) rồi lựa lấy độ 300 tấn chất lượng cao tranh bán sang Mỹ, Australia cũng kiếm đủ.
Thêm nữa, như với thanh long, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Hugo cho biết, chi phí vận chuyển bằng máy bay hiện các nước khác có hỗ trợ của nhà nước, còn Việt Nam thì không được hỗ trợ. Ông này lấy ví dụ thanh long giá mua chỉ có 1 USD/kg trong khi đi máy bay mất tới 4,2 USD. Đi đường biển chất lượng không đảm bảo mà số lượng ít nên chi phí cũng cao, ông này than thở.
Trái cây cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác đang “lần tìm” đường xuất ngoại. Tuy nhiên, cùng với nhiều động thái tích cực của chính phủ, các bộ ngành thì vẫn còn những kiểu “lấy đá ghè chân mình” như: Các loại phí vô lý, quy định trên trời, những kiểu “triệt hạ” lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nội. Còn những trái cây đặc sản cứ chịu cảnh “trúng mùa thì ế” làm nản lòng rất nhiều nhà nông cũng như những doanh nhân chân chính!
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao