Tin nông nghiệp Xuất khẩu trái cây nhìn từ vải thiều và thanh long

Xuất khẩu trái cây nhìn từ vải thiều và thanh long

Author Hoàng Văn, publish date Tuesday. August 16th, 2022

Xuất khẩu trái cây nhìn từ vải thiều và thanh long

Trong điều kiện đó, xuất khẩu vải thiều và thanh long lại cho kết quả khác nhau. Đâu là bài học được rút ra?

Vải thiều tiêu thụ thuận lợi, thanh long gặp khó

Năm 2022, tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt trên 199.500 tấn. Mặc dù tiêu thụ gặp khó do dịch Covid-19, thời gian thu hoạch ngắn, nhưng giá vải thiều vẫn được duy trì ổn định, bình quân đạt 22.100 đồng/kg (tăng 2.300 đồng/kg so với năm 2021). Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ nội địa được khơi thông, mở rộng với tổng sản lượng đạt trên 123.500 tấn (chiếm khoảng 61,9% tổng sản lượng tiêu thụ, tăng 3,3% so với năm 2021). Thị trường xuất khẩu ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ  với tổng sản lượng xuất khẩu trên 75.900 tấn (chiếm 38,1% tổng sản lượng tiêu thụ). Ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, vải thiều được xuất khẩu đến 30 nước như: Nhật Bản, Mỹ… Trong đó, thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia…) đã được mở rộng cả về quy mô và sản lượng.

Trong khi vải thiều tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao thì quả thanh long lại gặp khó, thậm chí phải giải cứu. Thanh long được trồng nhiều ở các tỉnh: Bình Thuận (29.000ha), Long An (11.000ha) và Tiền Giang (8.000 a), chiếm 93,6% về diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… Tại tỉnh Bình Thuận, khoảng 85% thanh long được xuất khẩu, trong đó, 2-3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Giá thu mua thanh long trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3 - 5 nghìn đồng/kg.

Tại Long An, thanh long chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Khi hàng hóa qua cửa khẩu bị ách tắc, nhiều doanh nghiệp hủy hợp đồng thu mua đã ký kết với thương lái, nông dân. Có thời điểm thanh long chỉ còn 2- 3 nghìn đồng/kg, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải kêu gọi “giải cứu”.

Tương tự, tại Tiền Giang, phần lớn thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX Thiên Phúc, xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo), xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ thủ tục; còn xuất khẩu tiểu ngạch, chỉ cần điện thoại qua là mua được. Do xuất khẩu tiểu ngạch dễ làm nên nhiều người không mặn mà với xuất khẩu chính ngạch. Do đó, khi Trung Quốc kiểm soát chặt hàng hóa qua cửa khẩu khiến hàng bị ùn ứ, dẫn tới giảm giá sâu.

Đầu năm 2022, nhận thấy khả năng xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã khuyến cáo các bộ, ngành và các địa phương, doanh nghiệp cần rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý chặt để đảm bảo quy trình sản xuất thanh long an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm 2021, đầu năm 2022, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn), có thời điểm ùn ứ lên tới gần 5.000 xe container, chủ yếu là thanh long, mít, dưa hấu…

Chính quyền vào cuộc - quyết định sự thành bại

Qua việc xuất khẩu vải thiều và thanh long thấy, có nhiều yếu tố quyết định đến sự thành bại, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã cho ra hai kết quả khác nhau. Cả hai loại quả tiêu thụ tươi là chính, thời gian thu hoạch ngắn (thanh long khoảng 30 ngày; vải chín sớm, vải chính vụ gần 2 tháng-PV), dẫn tới sức ép về thời gian tiêu thụ.

Quả thanh long thu hoạch liên tục trong nhiều tháng, đặc biệt, khi áp dụng kỹ thuật có thể cho ra trái theo thời gian mong muốn, để giảm sức ép tiêu thụ cùng thời điểm, tăng giá bán. Tuy nhiên, sản lượng chế biến của sản phẩm này còn hạn chế. Trong khi vải thiều thuận lợi hơn trong việc chế biến, như sấy khô, khi giá bán thấp.

Mấu chốt của vấn đề là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bán, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại. Bắc Giang đã làm rất tốt, rất chuyên nghiệp, trong khi các  địa phương trồng thanh long làm chưa tốt khâu này.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay, dù khó khăn trong tiêu thụ vải thiều nhưng với chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay, “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” đã làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả thị trường trong và ngoài nước, tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện với phương châm sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều chất lượng cao, vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bắc Giang đã  thực hiện nhiều hoạt động như: Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế; địa phương có văn bản đề xuất Cục Quản lý xuất - nhập cảnh tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào thu mua vải thiều; ký kết nhiều hợp đồng, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, thương nhân thu mua, xuất khẩu vải...

Trước đó, Bắc Giang đã có buổi làm việc trực tuyến với ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ, Phụ trách Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về việc đề nghị hỗ trợ xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc. Thông qua buổi làm việc, Bắc Giang biết được những yêu cầu của nước bạn, từ đó làm tốt công tác chuẩn bị cho xuất khẩu.

Đặc biệt, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, thương nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Tại đây, nhiều khó khăn của doanh nghiệp, thương nhân liên quan tới việc thông quan tại các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đã được tháo gỡ kịp thời.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, chia sẻ, tỉnh nhất quán và xuyên suốt lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có của vải thiều Bắc Giang làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững. Công tác dự báo thị trường được đánh giá, nghiên cứu sớm cùng với việc linh hoạt kịch bản tiêu thụ vải thiều; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kênh phân phối...


Nông dân Thừa Thiên- Huế ưa thích giống lúa VNR10 Nông dân Thừa Thiên- Huế ưa thích giống… Năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng top 10 thế giới Năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung…