Yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn
Nuôi tôm hai giai đoạn giúp tăng sản lượng đáng kể (nuôi mật độ từ vài trăm đến nghìn con/m2); hạn chế bệnh EMS; rút ngắn thời gian nuôi (ương và chia thành nhiều ao); giảm chi phí, giá thành (nhiên liệu, vật tư đầu vào, nhân lực…); giảm áp lực về môi trường nước mặt ô nhiễm do thâm canh.
Chuẩn bị cơ sở, vật chất
Đối với ương bể tròn: Bể được làm bằng khung sắt tròn đặt trên mặt đất, phủ bạt và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Bể ương có diện tích khoảng 100 m2, bể nuôi có diện tích khoảng 100 – 500 m2, cùng hệ thống ao cấp, ao xử lý nước.
Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước đã lắp đặt trước bằng cách vặn van xả; nên thiết kế đường nước xiphong sao cho đường ra thấp nhất nhưng vẫn cao hơn miếng ao lớn để vừa dễ xiphong và thuật tiện trong sang tôm.
Đối với ao ương: Ao ương có diện tích từ 100 – 500 m2, độ sâu 0,8 – 1 m, ao được lót bạt, có hố xiphong ở giữa và hệ thống ôxy đáy, có mái che và rào lưới xung quanh. Ao nuôi chiếm 25% tổng diện tích công trình. Diện tích ao nuôi tốt nhất từ 1.000 – 1.600 m2, độ sâu đạt 1,5 m, ao được lót bạt, có hố xiphong và hệ thống ôxy đáy.
Ở giai đoạn 2, diện tích mỗi ao nuôi 1.500 m2/ao, độ sâu từ 1,2 – 1,6 m và bờ ao tối thiểu cao hơn mặt nước 0,5 m. Ao nuôi có cống cấp, thoát nước riêng biệt, được lót bạt đáy và bờ chắc chắn.
Ao chứa/ao lắng: Bao gồm ao lắng thô, ao lắng xử lý, ao lắng sẵn sàng; chiếm tối thiểu 65% tổng diện tích công trình nuôi.
Ao xử lý nước thải, chất thải rắn chiếm tối thiểu 10% tổng diện tích công trình. Vị trí đặt cách ao nuôi, ao chứa, ao lắng và ao nuôi của cơ sở nuôi liền kề tối thiểu 10 m.
Xử lý nước
Nước sẽ được đưa vào ao lắng thông qua lưới lọc để loại bỏ tạp chất. Để lắng từ 10 – 20 ngày. Khi chuyển nước từ ao lắng sang ao nuôi, nước cần được bơm qua túi lọc bằng vải kate để loại bỏ địch hại, sinh vật cạnh tranh hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như cua còng, tôm, tép… Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết, rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), rễ cây thuốc cá (rotenone) hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao. Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím KMnO4, Formol, Iodine hay PVP-Iodine hiện là những chất diệt khuẩn được dùng phổ biến nhất. Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25 – 30 ppm nếu pH nước < 7,5.
Để gây màu nước, người nuôi có thể áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau xử lý nước nuôi tôm. Bón phân gây màu, duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, rồi mới tiến hành thả giống.
Thả giống
Mật độ thả tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của người nuôi về kinh tế và kỹ thuật nuôi, cũng như mùa vụ nuôi. Mật độ ương: 1.000 – 3.000 con/m2; cỡ tôm ương: PL10 – 12.
Sau khi vận chuyển tôm giống về, cần giữ nguyên tôm giống trong túi nilon và thả túi trôi nổi trên mặt ao/bể khoảng 15 – 30 phút, sau đó mới mở miệng túi để tôm giống từ từ bơi ra. Nên chọn lúc trời mát và có gió nhẹ để thả tôm giống.
Quản lý chăm sóc
Trong quá trình ương tôm, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới thả ra ao nuôi.
Qua giai đoạn ương, tôm có trọng lượng khoảng 1 g được đưa vào ao nuôi tiếp giai đoạn 2. Lưu ý, khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không đang chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàng ăn lên… Nếu tôm yếu không nên san bằng thủ công như chài, kéo lưới… tốt nhất nên dưỡng tôm thêm vài ngày, bổ sung thêm khoáng, beta glucan, Vitamin C giúp tôm khỏe lên rồi mới tiến hành san tôm. Có hai hình thức sang tôm là bằng cách mở cống, ống thông và bằng lưới kéo hoặc chài.
Thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp dạng viên, đã có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo hàm lượng đạm >40%. Lưu ý biểu hiện hoạt động của tôm, diễn biến thời tiết và chất lượng nước để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
Định kỳ bổ sung men tiêu, khoáng chất (Ca, P…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine…) trong khẩu phần ăn cho tôm theo liều lượng hướng dẫn.
Áp dụng quy trình nuôi ít thay nước. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, để quản lý môi trường ao nuôi sạch bệnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao