120.000 đồng/kg hạt mắc ca tươi, không đủ để bán
Các công ty thu mua hết sạch
Những ngày gần đây, thông tin trên một vài báo điện tử phản ánh tình trạng một số người dân trồng mắc ca nhỏ lẻ ở Đăk Lăk sau khi thu hoạch xong không biết tiêu thụ ở đâu. Theo sau bài là một số bình luận (comment) khá gay gắt của độc giả về tương lai của ngành mắc ca non trẻ ở Việt Nam...
Tìm hiểu thực sự vấn đề này từ phía các doanh nghiệp thu mua hạt mắc ca ở Tây Nguyên, phóng viên NTNN thấy sự việc không hẳn như vậy. Các đơn vị thu mua mắc ca cho biết, các vùng trồng mắc ca trong nước đã không còn hạt để bán bởi các công ty đã thu mua hết sạch trong những ngày qua.
Ông Hoàng Tùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vina Macca cho biết: Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch mắc ca ở Đăk Lăk. Hiện nay các vùng trồng mắc ca ở tỉnh này có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đến thu mua hạt mắc ca tươi. Công ty Vina Macca là đơn vị chuyên cung cấp cây giống mắc ca chất lượng cho người dân, chúng tôi đã có cam kết với những hộ mua giống là đến mùa thu hoạch công ty sẽ hướng dẫn quy trình chăm sóc và thu hoạch mắc ca, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm của họ. Hiện nay, công ty đang làm đúng với những gì đã cam kết...
“Vina Macca vừa thu mua xong vùng trồng mắc ca trên 30ha của 20 hộ trồng ở xã EaPuk, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Các hộ dân ở đây đã bán hết hạt mắc ca rồi. Có những hộ dân trồng ít, nhưng họ gọi điện đến, công ty sẵn sàng thu mua hết. Hiện nay giá bán hạt mắc ca tươi trong nước được đẩy lên rất cao, từ 80.000– 120.000 đồng/kg. Vì nguồn cung không đủ nên sự canh tranh của các đơn vị thu mua là rất lớn. Đến vụ thu hoạch, thương lái thậm chí thu mua cả hạt mắc ca non. Còn công ty chúng tôi chỉ thu mua hạt mắc ca chín già rụng trái, có như thế mới đảm bảo được chất lượng hạt để chế biến” - ông Tùng nói.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phan Hưng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Him Lam cho biết: “Ở thị trường Úc, châu Phi, giá 1kg hạt mắc ca tươi (nguyên vỏ, giao tại cửa nông trại) dao động từ 3,5 – 4,5 USD, đây là giá của hạt tươi loại 1. Còn ở Việt Nam, hạt mắc ca tươi thời điểm này được các hộ bán với giá 120.0000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá thế giới, vậy nhưng vẫn không có đủ để bán. Nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu chính là lý do khiến giá hạt mắc ca tươi trong nước cao. Hiện nay có rất nhiều đơn vị đang tiến hành thu mua tại các vùng trồng. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng mua được, phần vì giá cao, một phần nữa là vì nguồn hàng trong nước không nhiều. Nhiều công ty vẫn phải nhập hàng ở Úc, Nam Phi mới có thể đủ đáp ứng cho chế biến”.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư rất lớn và bài bản cho cây trồng đang hấp dẫn này. Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam): “Lượng mắc ca trong nước ở thời điểm này chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, vì vậy các doanh nghiệp đang phải nhập nguyên liệu mắc ca để phục vụ cho chế biến. Tôi nghĩ rằng thời điểm này thay vì lo lắng cho đầu ra, các hộ trồng mắc ca nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Để có sản phẩm tốt, năng suất cao, người dân cần lựa chọn giống tốt. Nếu sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn thì nông dân không phải lo lắng gì hết”.
Quan trọng nhất là chất lượng hạt mắc ca
" Các doanh nghiệp rõ ràng phải tuân thủ các thông lệ, tập quán và tiêu chuẩn chung của thế giới. Vì thế, người nông dân trồng mắc ca cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu của thị trường. Để không gặp phải rủi ro, người dân cần hết sức tránh việc tự làm mà nên tìm kiếm những chuyên gia và các tổ chức, doanh nghiệp có kinh nghiệm và khả năng để hợp tác, như vậy mới đảm bảo thành công”. |
Nông dân Bùi Hữu Hoà ở thôn Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho hay: “Một số hộ dân không có kinh nghiệm thu hoạch, họ thu hoạch quả non không đáp ứng được tiêu chuẩn nên doanh nghiệp không mua, từ đó họ nói không có ai mua. Mắc ca vụ này không phải vụ chính, cũng chưa đến thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên nhà tôi có thể thu hoạch khoảng 1 tấn hạt tươi. Các công ty thu mua rất nhiều nhưng nguồn cung hạn chế, không đủ để bán. Họ thu mua với giá 120.000 đồng/kg hạt tươi. Thời điểm chính vụ (tháng 4), doanh nghiệp thu mua 200.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đủ nhu cầu.
Chất lượng hạt mắc ca là điều quyết định cho sự thành công không chỉ với người trồng mà còn bao hàm cả nhà chế biến. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Tùng Anh - Giám đốc Dự án mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ quốc tế (IDT International) từng cho biết: “Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mắc ca ở trong nước rất khó khăn, nguồn cung đã không đủ rồi, còn chất lượng thì cũng không đồng đều. Ở Việt Nam đã có khá nhiều đơn vị tìm đến chúng tôi để giới thiệu sản phẩm, tuy nhiên chất lượng của họ không đảm bảo nên chúng tôi quyết định lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu từ Úc, vì tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm của họ rất chuẩn mực. Sản phẩm của họ chất lượng, uy tín, tính cam kết của họ rất cao, họ sẵn sàng đi đến cùng với sản phẩm và quan trong nhất là nguồn hàng có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu của mình”.
Đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng khuyến cáo, các hộ trồng mắc ca khoan vội quan tâm tới sản lượng. Sản lượng cao không phải là yếu tố quyết định, mà yếu tố quyết định thành công bền vững của nông dân và các doanh nghiệp chế biến là ở chỗ chất lượng hạt mắc ca. Muốn chất lượng đạt tốt, người trồng mắc ca cần có sự chuyên nghiệp ngay từ đầu, từ hạt giống, cây giống đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch...
Hiện nay các doanh nghiệp thu mua mắc ca của người dân đều nhằm mục đích chế biến thành các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ không chỉ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Chính vì vậy các hộ cần phải trồng các giống mắc ca chất lượng, cho ra hạt mắc ca chất lượng quốc tế. Theo ông Lê Tùng Anh, “chất lượng quốc tế đó đến từ các chỉ số kích cỡ hạt, tỷ lệ nhân mắc ca thương phẩm. Nếu hạt mắc ca nguyên vỏ cứng do Việt Nam làm ra không đạt được đường kính nhân 18mm trở lên, tỷ lệ nhân đạt 33%, độ ẩm hạt nguyên vỏ không đạt mức dưới 10%, hàm lượng dầu >75%... thì không được thế giới chấp nhận. Và nếu nông dân làm ra hạt mắc ca dưới chuẩn đó, doanh nghiệp sẽ không thể thu mua”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao