30 năm phát triển, xuất khẩu 2 tỷ USD, cá tra Việt vẫn “vô danh”
Sau gần 30 năm phát triển, xuất khẩu sang 160 nước trên thế giới, là nghề “kiếm cơm” của hàng nghìn hộ nông dân và hàng trăm doanh nghiệp… thế nhưng đến nay, cá tra Việt Nam vẫn liên tục rơi vào các vòng xoáy khủng hoảng, bị chỉ trích, bị cạnh tranh… trên thị trường quốc tế. Sản phẩm cá tra Việt Nam cũng không có nổi một thương hiệu, “tên tuổi” đàng hoàng. Vì đâu nên nỗi?
Đưa cá tra vào chế biến tại Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn). Ẩnh: T.L
Dù được xem là sản phẩm nông sản xuất khẩu chính, mang về kim ngạch lên tới 6 -7 tỷ USD mỗi năm, thế nhưng đến nay mặt hàng cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn chưa có được thương hiệu nào đáng giá, những hệ lụy kéo theo từ việc “không tên” này cũng không hề nhỏ.
Không tên tuổi
Theo một điều tra của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cá tra Việt Nam phải “cõng” đến 40 chứng nhận khác nhau để có thể bán vào một số thị trường khó tính. Thế nhưng, số lượng chứng nhận này cũng không “xi nhê” gì khi mà nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, sản phẩm mạ tăng, quay tăng trọng quá lớn, xuất khẩu phile cá tra mà người tiêu dùng mua về cứ ngỡ mình vừa mua… “cục nước đá”.
Tại Hội chợ quốc tế Thủy sản Vietfish vừa diễn ra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn công bố kết quả một cuộc điều tra nhỏ (mini survey) mà doanh nghiệp này vừa thực hiện khiến nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng. Bảng điều tra với 32 câu hỏi và nhận về 75 phản hồi từ 20 quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam.
Theo kết quả cuộc khảo sát này, cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế là một sản phẩm không có tên gọi, hầu hết người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm đều không biết đây là con cá gì, tên gọi ra sao... Trong khi đó, từ siêu thị, nhà hàng đến cửa hàng bán lẻ, cá tra có nhiều tên gọi khác nhau, như Striped Pangasius, Striped Catfish, Swai, Bocourti, Sutchi… Nhưng đôi lúc, nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm chỉ ghi là “cá thịt trắng”.
Việc cá tra gần như không có tên gọi trên thị trường quốc tế, theo lý giải của bà Vi Tâm, là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Việc không có tên kéo theo đó là không có đối tượng marketing cụ thể, không có chiến lược phát triển sản phẩm đến người tiêu dùng. Thậm chí, việc có nhiều tên gọi khác nhau sẽ gây nghi ngại cho người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Thông (Trường Đại học Nam Đan Mạch), nhận định cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn là phile, cắt khúc, rồi đông lạnh. Hơn nữa, sau khi cá tra ra khỏi biên giới Việt Nam thì nhà xuất khẩu gần như không biết sản phẩm đi đâu về đâu, không kiểm soát được phần còn lại của chuỗi cung cầu cá tra...
Kết quả là, trong chuỗi giá trị cá tra, nhà phân phối gần như nắm quyền kiểm soát. Nhà sản xuất Việt Nam chỉ nhận được 1/3 giá trị thực của cá tra, phần còn lại thuộc về các nhà chế biến, phân phối nước ngoài. Nghĩa là người sản xuất, gồm người nuôi và người chế biến trong nước chỉ nhận được 1/3 trong số doanh thu nhận về cho 1kg cá tra, trong đó người nuôi nhận được 8% và người chế biến nhận được 23%.
“Cá tra Việt Nam có năng suất cao, mật độ nuôi cũng cao nhất trong các loài thủy sản nuôi. Tuy nhiên, chính vì điều này mà cá tra bị người tiêu dùng nghi ngờ về tính bền vững và độ an toàn. Nhà sản xuất Việt Nam chưa tận dụng được các lợi thế của cá tra, thậm chí, còn để những điểm mạnh này bị biến thành điểm yếu” - TS Thông đánh giá.
Con cá của… người nghèo!
Cũng theo khảo sát của Công ty Vĩnh Hoàn, qua nhiều năm phát triển, thay vì tăng giá bán, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm theo thời gian, cá tra bán giá ngày càng rẻ. Có thời điểm phile cá tra Việt Nam bán được giá đến 3 USD/kg, là mức giá rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hay như hiện nay, giá tại thị trường Mỹ đã là xấp xỉ 4 USD/kg. Thế nhưng, cũng có một thời gian dài, giá cá tra Việt Nam đã giảm rất sâu, chỉ hơn 1 USD/kg.
Nguyên nhân là khi mới bắt đầu phát triển, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia nuôi, xuất khẩu cá tra. Vì áp lực cạnh tranh, các nhà sản xuất thay vì cùng hơp tác để tạo ra các giá trị khác nhau thì lại cạnh tranh giảm giá, cạnh tranh giành thị trường. Điều này có thể thấy rõ qua các kỳ Vietfish diễn ra chính trong nước, khi các doanh nghiệp chào giá phile cá tra ngày càng giảm, có doanh nghiệp còn “hô” giá chỉ chưa tới 2 USD/kg, trong khi giá nguyên liệu đã là 25.000 – 26.000 đồng/kg cá tra nguyên con.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đánh giá những năm qua cá tra tăng trưởng nhiều về lượng xuất khẩu nhưng ngược lại là uy tín, chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống trên thị trường thế giới.
Tại các thị trường lớn hiện nay như Mỹ, Nhật, châu Âu… cá tra Việt Nam là sản phẩm dành cho phân khúc thị trường người lao động có thu nhập thấp, công nhân, người nghèo, người nhập cư… Điều này đã khiến cái nhìn của người tiêu dùng trên thị trường thế giới về cá tra không được tốt.
Còn bà Tô Tường Lan – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng thừa nhận, cho đến nay mặc dù được xuất khẩu đến 160 quốc gia nhưng đối với người tiêu dùng thì cá tra chỉ đơn giản chỉ được biết là loại cá thịt trắng nuôi trên sông Mekong.
Bản thân các doanh nghiệp khi định vị sản phẩm cũng chỉ coi cá tra là cá rẻ tiền. Cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nhà cung cấp trong thời gian qua đã tiếp tục đẩy giá cá tra xuống thấp, kéo theo đó là việc chất lượng giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là người tiêu dùng dần quay lưng với cá tra và chọn các loại cá khác chất lượng cao hơn như cá minh thái Alaska, cá rô phi…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao