Tin thủy sản 4 công nghệ nuôi tôm nổi bật

4 công nghệ nuôi tôm nổi bật

Author Dũng Nguyên (Tổng hợp), publish date Friday. March 13th, 2020

Công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến và hoàn thiện. Ngoài copefloc, biofloc, 3 pha, một số công nghệ mới ngăn chặn vi khuẩn hay RAS cải tiến cũng được áp dụng rộng rãi.

Công nghệ nuôi tôm ngăn chặn vibrio

Công ty NaturalShrimptại Dallas, Mỹ đã hợp tác với hãng công nghệ F&T Water Solutions phát triển hệ thống nuôi tôm thẻ kiểu mới mang tên “công nghệ nuôi tôm ngăn chặn vibrio” (VST). Hệ thống này đã được NaturalShrimp đăng ký giấp phép chứng nhận độc quyền. VST sử dụng công nghệ lọc điện đông để loại bỏ ammonia trong nước; đồng thời, lấy đi vi khuẩn và “giam” lại trong khối chất rắn lơ lửng. Công nghệ nuôi tôm thẻ kiểu mới của NaturalShrimp hoạt động hiệu quả, và đã duy trì được các thông số kiểm soát nước trong giới hạn cho phép suốt giai đoạn nuôi tăng trưởng.

Bill G Williams, Tổng Giám đốc điều hành NaturalShrimp cho biết, chúng tôi kỳ vọng mô hình nuôi này sẽ sớm được triển khai trên phạm vi toàn cầu. NaturalShrimp và F&T, thông qua công ty con Natural Aquatic Systems đang cân nhắc phương án đầu tư cho hệ thống nuôi tương tự như trên với các đối tượng khác như cá giò, cá hồi và tôm hùm.

Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn

Sau 3 năm nghiên cứu tại các trung tâm R&D ở Israel, Công ty Công nghệ NTTS AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS nuôi tôm công nghiệp trên cạn với tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu vào năm 2020.

Năm 2019, AquaMaof đang thực hiện dự án phát triển hệ thống nuôi tôm trên cạn tại miền Nam Israel. Là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ NTTS, AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS độc quyền của hãng để nuôi tôm thẻ quy mô công nghiệp với kết quả tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Trong hệ thống này, AquaMaof nuôi tôm mật độ cao thành công, đạt tỷ lệ sống cao, FCR thấp và trong một môi trường hoàn toàn sạch bệnh với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong nước bể nuôi rất thấp. Ngoài ra, công nghệ mới của AquaMaof giúp kiểm soát màu sắc của tôm và di truyền của chúng thuận lợi, thúc đẩy sản xuất tôm chất lượng cao. Công nghệ mới của hãng cũng tạo điều kiện thu hoạch tỉa theo kích cỡ khác nhau, trong khi vẫn duy trì chi phí vận hành trang trại ở mức thấp.

Mini-RAS cho nông dân quy mô vừa và nhỏ

Mini-RAS là một bộ dụng cụ NTTS trên cạn hoàn chỉnh gồm bể nuôi, đường ống dẫn, hệ thống xử lý nước thải và quạt nước. Mini-RAS nhắm đến đối tượng khách hàng là nông dân mới bắt đầu hoặc muốn mở rộng cơ sở NTTS và dành cho những hộ nuôi định chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn nước để cắt giảm nhu cầu sử dụng nước. Công nghệ này do hãng BioFishency phát triển. Hệ thống này vận hành đơn giản. Người sử dụng chỉ cần đất và điện. Bộ phận kiểm soát cũng được vận hành đơn giản dù có kết nối internet hay không. BioFishency vận chuyển bộ sản phẩm tới người mua, lắp đặt trong 10 ngày và sử dụng được ngay sau đó.

Ý tưởng xây dựng Mini-RAS dựa trên RAS nhưng Mini-RAS có giá cả phù hợp hơn với cả các hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ. Mini-RAS (gồm cả hệ thống lọc sinh học SPB) có mức đầu tư khởi điểm 70.000 USD nhằm nâng cao tỷ lệ sống, tăng trưởng và tỷ lệ sinh sản cả cá, từ đó giúp tăng lợi nhuận và bền vững cho nông dân.

Siêu thâm canh công nghệ cao Biosipec

Đầu tháng 7 năm ngoái, hãng dinh dưỡng vật nuôi ADM đã chính thức ra mắt hệ thống nuôi tôm mới, dựa trên những cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực thức ăn, an toàn sinh học, xử lý nước, hệ thống quạt gió và số hóa. Hệ thống mới, với tên gọi Biosipec được giới thiệu tại sự kiện Asian-Pacific Aquaculture tại Chennai, Ấn Độ, do ADM phát triển tại Việt Nam sau khi quan sát và tìm hiểu các đặc tính nuôi tôm thẻ tại Việt Nam, các rủi ro liên quan, đặc biệt là dịch bệnh và môi trường, sự bền vững. Theo ADM, giải pháp mới giúp giảm rủi ro trong nuôi tôm và giảm tác động lên môi trường, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận cho người nuôi tôm. Đây là mô hình tôm được thiết kế riêng cho khách hàng tại châu Á.

Với Biosipec, chúng ta có thể nuôi tôm thành công, khác biệt và bền vững. Biosipec có thể sản xuất 5 vụ/năm với năng suất 30 tấn/ha/vụ nuôi. Biosipec áp dụng nhiều công nghệ cải tiến, điển hình hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học và ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng nhưngtối ưu hóa lượng ôxy cung cấp và hệ thống cho ăn tự động bằng cảm biến âm thanh.


Related news

thuy-san-huu-co-xu-huong-cua-the-ky-21 Thủy sản hữu cơ -… 7-mo-hinh-nuoi-tom-hieu-qua 7 mô hình nuôi tôm…