Tin thủy sản 5 loài sinh vật ngoại lai nguy hại ở một tỉnh miền Tây

5 loài sinh vật ngoại lai nguy hại ở một tỉnh miền Tây

Author Hiếu Công, publish date Tuesday. January 9th, 2018

Danh sách động vật ngoại lai nguy hại tại Sóc Trăng được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II công bố có cá chim trắng, lau kính, rô phi thường, rô phi vằn và ốc bươu vàng.

Cá rô phi 

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (RIA2) vừa công bố công trình nghiên cứu đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Công trình được thực hiện từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2017 dưới sự chủ trì của Thạc sĩ Nguyễn Du. Mục tiêu của đề tài này nhằm xác định sự phân bố của thủy sinh vật ngoại lai trên địa bà, đánh giá được những tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai có lợi và hại chủ yếu đến môi trường sống của các loài thủy sinh vật.

Từ đó, giải pháp quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai được đề ra.

Theo Viện, hơn 2 năm nghiên cứu, phân tích và đánh giá 62 động vật ngoại lai tác động đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên, 27 loài ngoại lai đã xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên đã được tìm ra.

Trong số 27 loài ngoại lai có 5 loài là cá chim trắng, cá lau kính, cá rô phi thường, cá rô phi vằn và ốc bươu vàng được xếp vào hạng ở mức mối nguy cao. 35 loài ngoại lai chỉ xuất hiện trên các cửa hàng cá cảnh và không có loài nào xếp vào mối nguy cao.

Bên cạnh đó, qua kết quả phân tích một số loài như cá chình và tôm thẻ chân trắng cho thấy các loài này không ảnh hưởng gì đến nghề nuôi trồng thủy sản mà còn có lợi nhất định đến nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn công trình nghiên cứu mang lại nhiều lợi ích đối với kinh tế - xã hội và môi trường.

Các tác động tiêu cực được xác định, từ đó có giải pháp nhằm giảm thiểu, nếu không, sẽ tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, làm cho môi trường mất cân bằng, từ đó sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng khác đến môi trường và an toàn thực phẩm.

Việc nghiên cứu tác động về các loài ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản nội địa là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiểu biết thêm về nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và khai thác hợp lý. Đây là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao công trình nghiên cứu cũng như tính thực tiễn ứng dụng trong ngành nông nghiệp.


Related news

khao-nghiem-thuc-an-chan-nuoi-thuy-san-moi Khảo nghiệm thức ăn chăn… ky-thuat-nuoi-va-cham-soc-ca-chep-nhat-cho-tin-do-me-ca-canh Kỹ thuật nuôi và chăm…