Nuôi lợn (Heo) 7 biện pháp hạn chế heo mẹ đè chết heo con sơ sinh

7 biện pháp hạn chế heo mẹ đè chết heo con sơ sinh

Author VietDVM Team (Tổng hợp), publish date Tuesday. April 24th, 2018

Trong thực tế, hầu như không một trại chăn nuôi heo nào không gặp trường hợp heo mẹ đè chết heo con. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu (chiếm khoảng 45%) trong số các nguyên nhân gây chết heo con.

Heo con theo mẹ chết, 45% là do mẹ đè

Trước thực trạng đó, VietDVM.com cho ra đời bài viết này hy vọng góp phần giúp bà con giảm thiểu tối đa những thiệt hại do nguyên nhân này. Bài viết xoay quanh một số thông tin thiết thực như sau:

- Thực trạng vấn đề?

- Nguyên nhân làm heo mẹ đè chết heo con?

- Làm sao để phát hiện kịp thời?

- Làm sao để khắc phục, hạn chế việc heo con bị mẹ đè chết trong 21 ngày đầu theo mẹ?

Thực trạng heo con bị mẹ đè như thế nào?

Nhiều người chăn nuôi cho rằng đa phần heo con bị đè chết thường là heo nhỏ, còi cọc và yếu nhưng theo các số liệu nghiên cứu tại Ireland năm 2014 thì trong số những heo con chết do mẹ đè thì có tới 70% heo con khỏe mạnh bình thường.

Theo số liệu có được từ một số cuộc điều tra cho biết, tỷ lệ heo chết do mẹ đè / tổng số heo con chết cụ thể như sau:

- Trong 3 ngày đầu chiếm 55,3%.

- Trong 10 ngày đầu chiếm 47,3%.

- Trong 20 ngày đầu chiếm 42,9%.

- Trong 30 ngày đầu chiếm 32%.

Đặc biệt, tổng tỷ lệ heo chết do mẹ đè trong vòng 4 ngày đầu chiếm tới 86%, cụ thể như sau: 

- Ngày 1 là 36%.

- Ngày 2 là 25%.

- Ngày 3 là 18%

- Ngày 4 là 7%.

Trong các nghiên cứu đó, người ta chia cơ thể nái thành 3 phần: mông, eo, ngực, thì phần mông đè chết heo con chiếm 70%; phần eo chiếm 15,2% và phần ngực là 14,8%.

Vậy thì nguyên nhân heo con bị mẹ đè là do đâu?

Từ phía heo nái:

Chuồng nuôi quá chật nên heo nái không có nhiều không gian để trở mình, dễ đè phải heo con

Nguyên nhân hàng đầu là do khi heo nái chuyển từ trạng thái đứng sang ngồi hoặc nằm. Khi heo mẹ nằm xuống, thường nó rất thận trọng và từ từ nhưng có thể nó vẫn đè chết heo con.

Quá trình nằm tự nhiên của heo nái diễn ra như sau:

- Heo mẹ cảnh báo các con của mình bằng tiếng kêu ủn ỉn và đẩy nhẹ chúng xa ra bằng mũi.

- Heo mẹ gập người xuống bằng hai chân trước và kéo phần phía sau theo, một con heo con vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm.

- Khung cơ thể làm chậm lại quá trình hạ thấp thân sau của nái giúp heo con có thời gian để tránh ra xa.

- Heo mẹ nằm xuống và những chú heo con an toàn.

Heo nái bị viêm vú hoặc một bệnh nào đó làm giảm sản lượng sữa.

Heo nái bị què, chân không vững.

Heo nái đẻ lứa đầu chưa có kinh nghiệm khi đứng lên ngồi xuống.

Chuồng nuôi thiết kế không hợp lý, quá chật chẳng hạn  heo mẹ khó trở mình, heo con không có nhiều không gian để di chuyển.

Từ phía heo con:

Heo con bị đè chết do quá yếu, nhỏ, chậm chạp nên không tránh kịp.

Thể trạng heo con không tốt (heo con ốm, bệnh, sốt cao, sinh ra đã yếu, ốm do lạnh…) khả năng vận động cũng như sức đề kháng không cao là nguyên nhân hàng đầu khiến heo con phản xạ chậm và hay bị mẹ đè chết.

Khi heo mẹ giảm sản lượng sữa vì một nguyên nhân nào đó làm cho heo con thiếu sữa, đói. Bởi vậy nó phải nằm thường xuyên bên heo mẹ (khu vực nguy hiểm) nên tỷ lệ bị mẹ đè chết tăng cao hơn.

Heo con có vấn đề về chân và khớp: què, đi lại khó khăn nên không tránh kịp.

Chuồng nuôi quá lạnh nên heo con phải nằm sát lại gần bên heo mẹ → heo con nằm trong khu vực nguy hiểm.

Làm sao để phát hiện kịp thời?

Khi heo con bị đè, nó sẽ la hét rất lớn nên chỉ cần để ý chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện và kịp thời giải cứu. Vậy nếu là ban đêm và người trực chuồng heo nái đẻ ngủ quên thì sao? (trong thực tế heo con đa phần bị đè chết vào ban đêm – khi con người không thể giám sát hết được toàn bộ heo con cẩn thận như ban ngày).

Thiết kế chuồng nuôi không hợp lý có thể giết chết heo con

Tốt nhất, để chủ động hơn trong việc phát hiện sớm các nguy cơ, bà con chăn nuôi cần phải để ý quan sát kỹ hơn. Nếu thấy các biểu hiện như:

- Heo nái bị tổn thương chân, viêm vú, stress, mệt mỏi…

- Heo con què quặt, đi lại khó khăn, ốm yếu, chậm chạp, đói và thường xuyên nằm cạnh mẹ…

- Thiết kế chuồng nuôi có chỗ chưa hợp lý như nhiệt độ, thiết kế sàn chuồng, diện tích…

Thì nên có các biện pháp phòng tránh trước khi quá muộn.

Khắc phục heo con bị mẹ đè như thế nào?

Giữ cho môi trường yên tĩnh, giữ cho heo nái không bị stress là những việc làm vô cùng quan trọng

1. Nên theo dõi chặt chẽ heo nái trong thời gian đẻ và ngay sau khi sinh để phát hiện sớm xem chân heo nái có vững không?, nó có bị stress gì không?... nhằm phát hiện sớm nguy cơ heo nái có thể sẽ đè chết heo con hay không.

2. Tăng cường các biện pháp giúp heo nái có 4 chân khỏe mạnh như bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khoáng, Canxi…

3. Giữ cho môi trường luôn yên tĩnh, không làm heo nái căng thẳng là việc vô cùng cần thiết.

4. Để ý quan sát một số heo nái có hành vi bất thường như không muốn heo con bú, đụng vào người (nhất là heo nái đẻ lứa đầu) để đề phòng.

5. Theo dõi hồ sơ ghi chép của từng heo nái xem trong những lứa đẻ trước heo nái đó có đè chết con bao giờ chưa? Nếu có thì xác suất là bao nhêu để có phương án dự phòng thích hợp.

6. Thiết kế ô chuồng heo nái đẻ sao cho kìm hãm heo nái và giúp bảo vệ heo con được tốt nhất.

Những heo nái được nuôi trên lớp lót chuồng thích hợp thì ít đè chết heo con hơn

7. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học chăn nuôi từ Ireland, những heo nái được nuôi trên lớp lót chuồng thích hợp (mùn cưa, sàn nhựa hoặc rơm) thì ít đè chết heo con hơn những heo nái còn lại).


Related news

cach-bao-ve-chan-mong-cho-heo-giong Cách bảo vệ chân –… chan-nuoi-heo-dam-bao-an-toan-sinh-hoc-bang-quy-trinh-vao-cung-ra Chăn nuôi heo: Đảm bảo…