Tin thủy sản 8 quy trình công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay (Phần 1)

8 quy trình công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay (Phần 1)

Author Triệu Tuấn, publish date Tuesday. May 22nd, 2018

Công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến và hoàn thiện. Bên cạnh những công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao, một số công nghệ nuôi tôm mới dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên hoặc sử dụng hoàn toàn thức ăn có nguồn gốc từ thực vật đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Bài viết này trình bày tổng quan về một số đặc điểm kỹ thuật cơ bản của các công nghệ nuôi tôm tiến tiến nhất hiện nay.

1/ Copefloc: Công nghệ nuôi tôm mới sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên

Copefloc là một thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ nuôi tôm mới đang phát triển mạnh tại Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Copefloc = Copepods + Biofloc là một công nghệ nuôi tôm sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn viên công nghiệp). Hệ thống nuôi tôm theo công nghệ copefloc có nhiều thuận lợi như: thiết kế vận hành đơn giản, ít rủi ro, chi phí nuôi thấp do không tốn tiền thức ăn cho tôm, tốc độ tăng trưởng của tôm rất cao, lợi nhuận thu được cao, không gây ô nhiễm môi trường. Một số đặc điểm nổi bật của hệ thống này là: ao nuôi không cần lót bạt, không cần cống trung tâm để siphon đáy ao, hoàn toàn khép kín và không thay nước, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất diệt khuẩn và xử lý nước nào, không sử dụng kháng sinh, không cần bổ sung khoáng chất, không cần ương tôm 30 ngày trước khi thả xuống ao nuôi, và đặc biệt là không sử dụng thức ăn công nghiệp, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi.    

Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 - 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics). Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn để tiến hành lên men bằng cách cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 - 48 giờ. Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 - 10 ngày trước khi thả giống tôm. Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao. Khuyến cáo mật độ tôm nuôi trong mô hình này là dưới 50 con/m2. Ở mật độ nuôi này, tôm có thể phát triển tốt, hạn chế cạnh tranh về thức ăn tự nhiên. Thả nuôi với mật độ cao hơn sẽ dẫn đến việc cạnh tranh về thức ăn, dẫn đến thiếu thức ăn, chất lượng nước ao nuôi bị biến động, chất thải (phân tôm) nhiều có thể dẫn đến hình thành khí độc và phát sinh mầm bệnh.

2/ Nuôi tôm theo qui trình 3 pha (three-phase) trong ao

Hệ thống nuôi tôm 3 pha được phát triển bởi công ty Công ty Grupo Granjas Marinas, Honduras. Điểm nhấn trong quy trình công nghệ này là hệ thống nuôi luân trùng (rotifer) và giáp xác chân chèo (copepod) với qui mô lớn kết hợp với ao ương tôm và ao nuôi thương phẩm để giúp rút ngắn chu kỳ nuôi và gia tăng năng suất tôm lên đáng kể mà không phụ thuộc vào các nguồn protein khác từ thức ăn nhân tạo.

Phiêu sinh động vật-nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho tôm nuôi

Hệ thống nuôi tôm 3 pha của họ bao gồm một ao ương nuôi tôm trung tâm, hệ thống raceway (hệ thống thông dòng nước, hệ thống nuôi nước chảy) nuôi rotifer và copepod, và tôm sau khi ương sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm có diện tích lớn hơn. Hệ thống này có thể sản xuất tôm đạt trọng lượng 15-16 g/con trong thời gian 8 tuần, tốc độ tăng trưởng hàng tuần đạt 4.2 g/con, với tỷ lệ sống trung bình đạt 74%. Trước mắt, công ty đã đưa vào hoạt động 400 ha ao nuôi cũ và đang có kế hoạch xây dựng thêm 700 ha vào năm 2015.

Hệ thống nuôi nhiều pha này không những làm gia tăng hiệu quả sản xuất mà còn mở ra một cơ hội mới góp phần bảo vệ môi trường nhờ vào việc sử dụng thức ăn tự nhiên. Một lượng sinh khối rất lớn của phiêu sinh động vật giàu dinh dưỡng có thể được sản xuất trong thời gian ngắn dùng làm thức ăn thay thế thức ăn nhân tạo cho tôm, góp phần gia tăng tính bền vững và lợi nhuận cho người nuôi tôm.

3/ Nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men

Đây là quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ copefloc, nhưng trong quá trình nuôi có bổ sung thêm các loại thức ăn lên men có nguồn gốc thực vật hoặc bổ sung thức ăn chế biến (thức ăn công nghiệp). Ưu điểm của công nghệ nuôi này là tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có trong ao, bổ sung các loại thức ăn lên men có nguồn gốc thực vật như cám gạo hay đậu nành lên men với chế phẩm sinh học hoặc có bổ sung thêm thức ăn công nghiệp giúp giảm giá thành sản xuất (giảm chi phí thức ăn), tôm tăng trọng nhanh, nuôi được mật độ cao hơn mô hình copefloc.

Cho tôm ăn đậu nành lên men (Ảnh: Aquamimicry Vietnam)

Trong mô hình này, ao nuôi thường có diện tích lớn khoảng từ 0,5 đến 1 ha/ao. Mật độ nuôi từ 30-100 con/m2. Sau khi cải tạo ao nuôi đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, sử dụng cám gạo nghiền mịn với liều lượng 400-500 kg (50 ppm) lên men với chế phẩm sinh học sau 24-48 giờ bổ sung vào ao nuôi (giống như đã trình bày trong mục nuôi tôm theo công nghệ copefloc) và sụt khí liên tục để kích thích sự phát triển của phiêu sinh động vật, động vật đáy… trong ao tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Tiếp tục bổ sung cám gạo lên men hàng ngày với liều lượng 30-50 kg/ha đến khi độ trong đạt 30-50 cm. Tiếp tục sụt khí và duy trì hàm lượng oxy hòa tan >5 ppm, pH từ 7.5-8.0 cho đến khi thả giống.  

Tiếp tục duy trì bổ sung cám gạo lên men hàng ngày với liều lượng như trên trong suốt quá trình nuôi. Sau khi thả giống được khoảng 5 ngày, bổ sung đậu nành lên men với liều lượng 1-3 kg/100.000 tôm post. Cho tôm ăn đậu nành lên men theo trọng lượng cơ thể tôm (từ 1-5%, tùy theo trọng lượng tôm) 3 lần/ngày, kết hợp với bổ sung cám gạo lên men trong suốt quá trình nuôi. Có thể bổ sung thức ăn công nghiệp 1-2 lần/ngày, tùy theo mật độ nuôi và nhu cầu của tôm. Nếu bổ sung thêm thức ăn công nghiệp, phải giảm số lần cho tôm ăn đậu nành lên men và liều lượng cám gạo lên men bổ sung hàng ngày.  

4/ Công nghệ nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway) 

Đối với công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống raceway truyền thống, tôm được nuôi trong những bể nước hình chữ nhật,  các bể được bố trí nằm kề liền nhau và chúng được bố trí trong phòng lớn. Hệ thống này có nhược điểm là cần một không gian rất lớn để có thể sản xuất ra lượng tôm lớn và giá thành sản phẩm cao hơn so với tôm nhập khẩu. Để khắc phục những nhược điểm của hệ thống raceway truyền thống, tiến sỹ Addison L. Lawrence, một nhà khoa học tại Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Nuôi Trồng Hải Sản Texas AgriLife đã có một ý tưởng tuyệt vời là xếp chồng các bể raceway lên với nhau. Hệ thống này được gọi là nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway). 

Tiến sỹ Lawrence (người bên trái) bên hệ thống raceway nhiều tầng (Ảnh: nytimes)

Hiện nay, Royal Caridea, một công ty sản xuất thủy sản mới thành lập đã mua bản quyền cấp phép hệ thống này trên toàn thế giới và đã khởi công xây dựng một cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ nuôi này vào năm 2012. Tiến sĩ Lawrence dự đoán rằng, trong thời gian tới, mỗi khu vực đô thị lớn “sẽ có một trang trại nuôi tôm giống với mô hình này” và sẽ không còn nhiều lý do để dựa vào nguồn tôm nhập khẩu nữa.


Related news

bac-lieu-moi-la-nuoi-tom-sieu-tham-canh-trong-ho-noi-tron Bạc Liêu: Mới lạ nuôi… 8-quy-trinh-cong-nghe-nuoi-tom-tien-tien-nhat-hien-nay-phan-2 8 quy trình công nghệ…