Ấn Độ: Nuôi tôm hiệu quả ở vùng trũng thấp
Nhờ thay đổi thiết kế trại nuôi mà việc nuôi tôm ở những khu vực quanh năm ngập lụt không còn là trở ngại với nông dân Ấn Độ. Tại đây, hoạt động nuôi tôm vẫn năng suất và hiệu quả cao suốt thời gian diễn biến thời tiết khắc nghiệt.
Nuôi tôm tại vùng trũng thấp đạt hiệu quả cao nhờ thay đổi thiết kế trại nuôi Ảnh: CTV
Hiểm họa thời tiết
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở vùng ven biển tại Ấn Độ và châu Á đang thường xuyên phải đối mặt nhiều hiểm họa khôn lường do diễn biến thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, lốc xoáy. Điều đáng lo ngại, nhiều trại nuôi tôm lại tập trung ven biển và phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
NTTS nước lợ, một ngành đang phát triển nhanh tại Ấn Độ, điển hình là nuôi tôm được coi là nguồn thu kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực. Các trại nuôi tôm ven biển đều có đặc điểm chung là nuôi trong ao đất và thường xuyên có nguy cơ bị tàn phá hoặc ngập lụt do mưa lớn kèm theo lũ lụt và lốc xoáy. Ngoài ra, gió mạnh kèm theo giông lốc còn phá hủy cơ sở hạ tầng, gây vỡ đê và xói mòn, thất thoát thủy, hải sản và dẫn đến những tổn hại lớn về kinh tế, xáo trộn đời sống của cộng đồng cư dân ven biển và phá hủy toàn bộ hệ thống NTTS.
Các chuyên gia dự báo, ngoài Ấn Độ, Đông Nam Á sẽ gánh chịu nhiều tổn thương nhất do biển đổi khí hậu. Do đó, những khu vực này cần phải có chính sách và biện pháp quản lý ứng phó. Gần đây, tại Ấn Độ, một mô hình trang trại nuôi tôm đã được nghiên cứu và đánh giá là hiệu quả trong ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Thiết kế trại nuôi cải tiến đã giúp ngăn chặn được ngập lụt và giảm rủi ro thất thoát tôm giống và tôm thương phẩm ra ngoài môi trường; đồng thời đẩy lùi được hiểm họa bùng phát dịch bệnh xảy ra do nước lũ.
Cải tiến trại nuôi
Thông thường, các yêu cầu cơ bản đối với thiết kế ao nuôi tôm là địa hình có chất lượng đất và nguồn nước đảm bảo, kênh dẫn nước và hệ thống thoát nước, hệ thống bơm và quạt nước tốt cùng các biện pháp đảm bảo an ninh sinh học.
Nông dân nuôi tôm tại Ấn Độ đều nhận thức rằng, lũ lụt, lốc xoáy và mưa lớn là một trong ba hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới hoạt động nuôi thủy sản ở những vùng rốn lũ hoặc vùng dễ ngập lụt. Theo quan sát của các chuyên gia Viện Nuôi trồng thủy sản nước lợ trung ương Channai, Ấn Độ (ICAR) những trại nuôi tôm, phần lớn là quy mô nhỏ ở vùng trũng thấp phía nam Ấn Độ (quận Nagapattinam, bang Tamil Nadu) đã thiết kế ao nuôi chỉ dựa vào yêu cầu cơ bản mà không tính toán đến yếu tố ứng phó biến đổi thời tiết.
Nhiều trại nuôi tôm tại khu vực này nằm ở độ cao chỉ 1 m hoặc chưa đến 1 m so mực nước biển. Kích thước ao nuôi dao động 0,5 - 1,1 ha, độ sâu 0,9 - 1,4 m. Do đó, khi ngập lụt xảy ra, rất ít nông dân có khả năng bảo vệ trang trại và vụ nuôi, còn lại mất trắng.
Trước thực trạng đó, ICAR đã hướng dẫn nông dân thiết kế lại trại nuôi chuẩn hơn với bờ ao kiên cố bao xung quanh để giảm các mối nguy hại lâu dài trong vùng trũng thấp. Sự kết hợp hệ thống lọc tuần hoàn và ao chứa nước trong cùng một trang trại sẽ giúp bảo vệ trại nuôi trước những tác động tiêu cực của lũ lụt và giảm đáng kể sự thay đổi nước. Ngoài ra, thiết kế một kênh dẫn nước khép kín bao xung quanh ao tôm với độ cao dưới độ cao tương đối của mặt đất giúp trữ nước phục vụ sản xuất cũng như nước suốt thời gian mưa lớn.
Chiều cao của bờ phía bên ngoài kênh dẫn này được thiết kế dựa trên vùng có độ cao trên mực nước biển trung bình và đều được tính toán dựa theo những ghi chép khoa học về tần suất xảy ra lũ lụt, cường độ nước lũ. Yêu cầu độ sâu tối ưu của nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương là 1,2 - 1,4 m. Hệ thống thoát nước trung tâm trong ao nuôi giúp loại bỏ bùn đáy ao.
Hiệu quả công nghệ không thay nước
Hầu hết trại nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay đều sử dụng công nghệ không thay nước với thiết kế gồm một ao chứa bên trong để cung cấp thêm nước khi cần trong suốt quá trình nuôi. Những kênh tuần hoàn bao xung quanh trang trại đặt ở vùng trũng thấp nên có độ cao ít nhất 1,8 m trên mực nước biển trung bình, nhằm giúp ngăn chặn sự tràn nước và bảo vệ bờ ao trong suốt quá trình xảy ra lũ lụt và gió lốc. Nhưng chiều cao này nên căn cứ theo độ cao trên mực nước biển trung bình, tần suất diễn ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và biên độ thủy triều.
Trong thiết kế ao như trên, ao chứa nước là yếu tố quan trọng với hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng, còn kênh tuần hoàn giúp trại nuôi ứng phó tốt hơn với các hiện tượng biến đổi thời tiết. Khoảng 40% tổng lượng nước trong một trại nuôi nằm ở ao chứa, kênh tuần hoàn và ao lắng.
Nguồn nước bơm vào ao chứa nên được xử lý bằng Clo và sau đó được khử Clo trước khi cung cấp vào ao nuôi. Các kênh tuần hoàn có độ sâu phổ biến 60 - 90 cm và được kết nối với một kênh ở vòng ngoài cùng và ao chứa. Quy hoạch ao nuôi với kênh tuần hoàn đã đem lại hiệu quả cho nhiều hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ở các vùng trũng thấp tại Ấn Độ. Theo đánh giá của người nuôi tôm tại Nagapattinam, thiết kế kênh tuần hoàn cho trại nuôi đã giúp họ quản lý hiệu quả tình trạng ngập lũ lụt và bảo vệ vụ nuôi tốt hơn. Kích cỡ của những kênh này phụ thuộc vào quy mô trang trại và nhìn chung một kênh sẽ đi kèm một ao nuôi rộng 0,5 - 0,8 ha cùng các theo các biện pháp quản lý dòng chảy thích hợp.
>> TS M. Jayanthi, nghiên cứu khoa học tại ICAR: Không chỉ nông dân Ấn Độ, hầu hết người nuôi thủy sản ở các vùng trũng thấp đều có thể quản lý hiệu quả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong một chừng mực nào đó; bằng cách cải tiến thiết kế trang trại và thực hiện các giải pháp quản lý tổng thể để trang trại có khả năng chống chịu tốt trước mưa lớn, ngăn ngập lụt, bảo vệ vụ nuôi an toàn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao