Mô hình kinh tế An Giang Ứng Dụng Tiến Bộ Khoa Học Kỹ Thuật Trong Lĩnh Vực Nuôi Trồng Thủy Sản

An Giang Ứng Dụng Tiến Bộ Khoa Học Kỹ Thuật Trong Lĩnh Vực Nuôi Trồng Thủy Sản

Publish date Thursday. October 30th, 2014

Thời gian qua, một trong những thành tựu của ngành khoa học công nghệ là đã tổ chức triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống thủy sản, hoàn thiện các quy trình nuôi các đối tượng thủy sản khác nhau... theo hướng công nghệ cao, như: Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh tăng vụ trên nền đất trồng lúa huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang”; “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực chuyển giới tính trong ao đất tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang”; “Xây dựng mô hình và sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trê vàng Clarias macrocephalus”...

Cụ thể: Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực chuyển giới tính trong ao đất tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang chủ trì. Dự án đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích nuôi do giá trị sản phẩm cao hơn giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thương phẩm trong ao đất tận dụng các ao nuôi cá tra thương phẩm bỏ trống góp phần khai thác tối đa tiềm năng mặt nước và tạo ra vùng nguyên liệu tôm càng xanh thương phẩm cung cấp ổn định quanh năm cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Giải quyết được việc nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất như hiện nay (đối với mô hình nuôi tôm ruộng lúa); sau 07 tháng nuôi trọng lượng tôm càng xanh toàn đực bình quân 50 gram/con (chiếm 60 - 70%), tỷ lệ sống từ 30 - 40%, tỷ lệ tôm vượt đàn > 50 gram/con (5 -10 %), năng suất tôm càng xanh đạt trên 2 - 2,5 tấn/ha.

Dự án “Xây dựng mô hình và sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang” do trường Đại học Cần Thơ thực hiện: Dự án đã ứng dụng tốt các giải pháp công nghệ tác động nhằm cải thiện chất lượng nước và sức sản xuất sinh học từ hệ thống nuôi, góp phần nâng cao tỷ lệ sống, tăng trưởng, năng suất và hiệu quả lợi nhuận cho người nông dân. Đến nay giải pháp công nghệ này đã được nhiều hộ dân áp dụng vào sản xuất.

Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh tăng vụ trên nền đất trồng lúa tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện: Dự án nhằm mục tiêu xây dựng và vận hành thành công mô hình “2 vụ tôm - 1 vụ lúa hay 2 vụ tôm - 1 vụ màu” với sản lượng 2.000 kg/ha/năm, lợi nhuận ≥ 150 triệu đồng/ha/năm (với giá tôm càng xanh 170.000 đồng/kg). Kết quả của dự án sẽ xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa (2 vụ tôm - 1 vụ lúa).

Qua những nghiên cứu này bước đầu đã nghiên cứu hoàn thiện được 02 quy trình nuôi tôm càng xanh; 01 quy trình phòng và trị bệnh trên lươn; 01 quy trình sinh sản nhân tạo cá rô biến... đã tạo ra được góp phần làm đa dạng hóa đối tượng nuôi, vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở, nền tảng cho việc chủ động nguồn cung cấp giống thủy sản có giá trị và đang có nguy cơ tuyệt chủng.


Related news

tiem-nang-cho-ca-tra-viet-tai-cana-a Tiềm Năng Cho Cá Tra… phat-huy-noi-luc-xay-dung-nong-thon-moi Phát Huy Nội Lực Xây…