Ấp Rạch Thọ (Cà Mau) Hướng Đến Xây Dựng Tổ Hợp Tác Nuôi Dê
Hiện nay, nuôi dê chưa phải là nghề chính nhưng nhiều hộ nông dân ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã biết tận dụng và phát triển mô hình này, vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, việc nuôi dê hiện nay của nhiều hộ dân ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi có nhiều tiến triển, giúp hộ nghèo có thêm nghề “tay trái” cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Toàn ấp có 310 hộ với 1.500 khẩu nhưng có 35 hộ đã tận dụng đất trống, kê liếp, khoanh vuông để nuôi dê. Tổng số đàn dê hiện nay lên đến gần 500 con. Hộ nuôi nhiều nhất là 100 con, hộ ít nhất 7 con.
Anh Trương Minh Thuận là người nuôi dê đầu tiên (khoảng 10 năm trước) ở ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cũng là người nuôi dê nhiều nhất ở xã Ðất Mũi hiện nay. Ðầu năm 2014, anh Thuận xuất bán được 35 con dê thịt, lãi 120 triệu đồng. Tổng đàn dê của anh hiện còn 30 con dê thịt và 10 con dê giống. Bình quân 1 con dê giống giá dao động từ 4 - 5 triệu đồng, dê thịt giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, đầu ra khá ổn định.
Dê là loài dễ nuôi, thức ăn chủ yếu tận dụng từ các cây cỏ có sẵn nên người nuôi không tốn chi phí. Do đó, hộ nuôi dê sẽ có được lãi cao khi bán dê giống và dê thịt… Thêm vào đó, dê cũng là loài ít bị bệnh, khả năng sinh sản tốt, mỗi năm dê đẻ 1 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Từ đó, hộ nuôi dê liên tục có nguồn dê thịt, dê giống cung ứng ra thị trường. Chỉ tính riêng hộ anh Trương Minh Thuận từ năm 2008 đến nay đã xuất bán trên 130 con dê giống và dê thịt, số tiền trên 600 triệu đồng.
Anh Thuận cho biết: “Nuôi dê không khó, cái khó là khi dê đẻ phải biết kỹ thuật chăm sóc, cho ăn phải kỹ lưỡng. 6 tháng dê trưởng thành rồi tách đàn, vỗ béo và xuất bán dê thịt”.
Chính vì dễ nuôi, lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân trong ấp Rạch Thọ đã xây dựng thêm chuồng, phát triển thêm nhiều đàn dê mới để phát triển kinh tế. Nhờ bán dê thịt, dê giống, nhiều hộ dân có cuộc sống khấm khá. Như trường hợp anh Lê Văn Be, trước đây là hộ nghèo, gia đình có 4 ha đất gò cao nên nuôi thuỷ sản và trồng màu không hiệu quả, dù lao động vất vả nhưng không đủ ăn. Ðầu năm 2009, anh Be mua 8 con dê giống về nuôi. Sau 2 năm, đàn dê phát triển lên 40 con và bán được 2 đợt dê giống, dê thịt, tổng cộng anh Be thu lãi trên 200 triệu đồng.
Anh Be phấn khởi: “Nuôi heo, gà, vịt phải tốn tiền thức ăn nhưng nuôi dê chỉ tốn tiền mua con giống, còn thức ăn chủ yếu là cây cỏ, vì thế lợi nhuận cao hơn so với các con vật khác.
Theo thống kê của xã Ðất Mũi, năm 2014, ấp Rạch Thọ có 20 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ nuôi dê thịt khoảng 2 năm đã có được cuộc sống khấm khá và vươn lên thoát nghèo.
Anh Lê Văn Mười Lớn, ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi, chia sẻ: “Năm 2013, tôi mua 10 con dê giống về nuôi và tôi đã xuất bán được 120 triệu đồng. Trước giờ tôi chưa có được số tiền lớn như vậy, gia đình tôi mừng lắm. Hiện tôi xây thêm 2 chuồng, phát triển thêm 50 con dê để cung cấp dê giống, dê thịt cho thị trường”.
Nuôi dê giúp hộ nghèo tích luỹ đồng vốn, nhưng nuôi làm sao để có năng suất, hiệu quả là vấn đề quan trọng. Không phải để mặc con vật kiếm ăn, tự sinh sống mà người nuôi dê cần tạo vùng nguyên liệu cung cấp thức ăn cho dê, xây dựng chuồng trại để dê trú ngụ khi thời tiết chuyển mùa. Ðồng thời, cần tìm đầu ra và thành lập tổ hợp tác cung cấp con giống, thịt về sau.
Ông Võ Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, thông tin: “UBND xã định hướng sẽ thành lập Tổ Hợp tác nuôi dê ấp Rạch Thọ, để bảo đảm cung cầu hợp lý. Ðất Mũi sẽ duy trì nghề nuôi dê để giúp hộ nghèo phát triển kinh tế ổn định, tiến đến mục tiêu xoá nghèo bền vững”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao