'Bà đỡ' cho nông dân tái canh cà phê
Tái canh cà phê hiệu quả thấy rõ. Song, người dân rất khó khăn về nguồn vốn để thực hiện tái canh, nhất là trong giai đoạn cà phê tái canh chưa cho thu hoạch.
Nhờ kịp thời có nguồn vốn vay từ dự án VnSAT, Gia đình ông Bùi Thanh Sơn đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê già cỗi để tái canh. Ảnh: Tuấn Anh.
Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê theo hướng bền vững nhằm từng bước thay thế diện tích cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng giống cà phê chất lượng cao. Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, sau 5 năm thực hiện tái canh cà phê, đã cho thấy hiệu quả kinh tế và khẳng định đây là hướng đi đúng.
Đến thủ phủ cà phê ở huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), chúng tôi được nghe kể về ông Hoàng Danh Chuyền (thôn 1, xã Hà Mòn), người được mệnh danh là “ông vua cà phê” của khu vực bắc Tây Nguyên. Từ đầu Thị trấn Đăk Hà men theo con đường nhựa chừng 2 km sẽ đến khu vườn cà phê bạt ngàn của gia đình ông Chuyền.
Nở nụ cười viên mãn, ông Chuyền cho biết, trong tổng số 15 ha cà phê của gia đình, đến nay ông đã thực hiện tái canh gần hết theo sự hỗ trợ của Dự án VnSAT. Vườn cà phê tái canh của ông Chuyền hiện đã được 4 năm, đến nay cho năng suất đạt khoảng 4,5 tấn nhân/ha.
Năm 2021, dự án VnSAT Gia Lai và đơn vị hỗ trợ kỹ thuật đã triển khai 20 lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê bền vững theo kế hoạch.
Đến thời điểm này, đã tấp huấn được cho 5.385 nông dân với tổng diện tích cà phê tái canh là 5.649 ha.
Câu chuyện tái canh cà phê bắt đầu từ năm 2016, khi đó ông Chuyền nhận thấy vườn cà phê không chỉ già cỗi, cho năng suất thấp mà kỹ thuật gieo trồng của những năm trước không còn phù hợp.
“Trước đây, tôi mua lại vườn cà phê của người dân rồi về cải tạo lại. Thời bấy giờ, cà phê được người dân trồng trên những quả đồi sỏi đá, không ngay hàng thẳng lối. Ngoài ra, thời điểm đó, chất lượng giống cũng không được tốt dẫn đến năng suất rất thấp”, ông Chuyền kể lại.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT, ông Chuyền quyết định thực hiện tái canh toàn diện vườn cà phê của gia đình. Ông phá bỏ hết vườn cà phê già cỗi, đồng thời san ủi lại những quả đồi cho bằng phẳng, rồi tiến hành tái canh theo hướng dẫn từ Dự án VnSAT.
Không chỉ được hướng dẫn theo quy trình tái canh, Dự án VnSAT còn hỗ trợ cây giống và phân bón trong thời gian đầu giúp ông Chuyền rất yên tâm để mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê.
Đến nay, ông Chuyền rất hài lòng khi vườn cà phê tái canh sử dụng 2 giống TR4 và TR9 cho năng suất vượt trội. Nhìn từ trên cao, cà phê được trồng ngay hàng thẳng lối trên không gian rộng lớn, xanh mơn mởn khiến ông Chuyền thấy rất hài lòng với những kết quả đạt được.
Để quyết định phá bỏ hết vườn cà phê gia cỗi để tái canh lại toàn bộ là câu chuyện không hề đơn giản, nhất là với diện tích lớn như gia đình ông Chuyền. Nếu như giữ lại vườn cà phê cũ, năng suất chỉ đạt khoảng 2,2 tấn nhân/ha, trừ chi phí thì không có lời.
Quyết định tái canh, ông chấp nhận đầu tư khoản chi phí không hề nhỏ, trung bình 1 ha từ khi tái canh cho đến lúc thu hoạch phải đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng. Ông Chuyền cho biết, dù chi phí đầu tư tái canh lớn, nhưng chỉ nặng vốn trong năm đầu do phải làm đất và mua cây giống. Các năm tiếp theo chi phí đầu tư chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.
“Chi phí đầu tư ban đầun lớn nhưng bù lại, tái canh cà phê theo giống mới sẽ nhanh cho thu hoạch, chỉ 3 năm sau là cho lợi nhuận, khoảng năm thứ 7 sẽ thu hồi vốn”, ông Chuyền chia sẻ.
Không chỉ ở Kon Tum, những năm qua, phong trào tái canh cà phê đang lan rộng ra khắp các tỉnh Tây Nguyên. Đến nơi đâu cũng bắt gặp những vườn cà phê tái canh đầy sức sống.
Tại thôn 5, xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), vợ chồng ông Bùi Thanh Sơn đang miệt mài chăm sóc vườn cà phê tái canh 4 năm tuổi của mình. Hiện gia đình ông Sơn đã tái canh được 2,5 ha trong tổng diện tích 3,5 ha trồng cà phê. Ông Sơn cho biết, trước khi chưa tái canh, vườn cà phê của gia đình trồng từ năm 1999 nên đã già cỗi, năng suất chỉ còn khoảng hơn 2 tấn nhân/ha/năm.
Năm 2018, sau khi được dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn, gia đình ông Sơn quyết định tái canh và sử dụng giống cà phê TR4. Chỉ tay về vườn cà phê tái canh, ông Sơn cho biết, vườn cà phê đang phát triển tốt, cho năng suất khoảng 4 tấn nhân/ha.
VnSAT kịp thời "hà hơi, tiếp sức" cho tái canh
Xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn với hơn 1.500 ha. Riêng trong năm 2021, địa phương này đã tái canh được 19 ha và trồng mới 36 ha cà phê. Trong thời gian tới, xã Đăk Krong dự kiến sẽ tái canh thêm khoảng 17 ha cà phê.
Đánh giá về hiệu quả của việc tái canh cà phê, ông Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong cho biết, thực thế so với vườn cà phê trồng từ hơn 20 năm trước, vườn cà phê tái canh sau này chắc chắn cho chất lượng, năng suất cao hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Kiên, hiện nhu cầu tái canh cà phê trong vùng vẫn rất lớn, tuy nhiên người dân vẫn còn dè dặt, chưa mạnh để tái canh. Nguyên nhân do giá vật tư "leo thang", như phân bón, xăng dầu, nhân công... đều tăng cao, trong khi tái canh cà phê phải mất ít nhất 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu thực hiện tái canh, nhiều người dân cũng tính đến phương án trồng xen canh với những cây ngắn ngày để có nguồn thu nuôi lại cây cà phê.
Đề cập đến những khó khăn trong tái canh cà phê, ông Bùi Thanh Sơn (thôn 5, xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa) cho biết, không đơn giản để người dân đầu tư tái canh nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
Ông Sơn dẫn chứng, khi tái canh, người dân mất 3 năm không có nguồn thu để trang trải cho cuộc sống gia đình. Chưa kể, giai đoạn này người dân phải bỏ chi phí đầu tư tái canh vườn cà phê từ khâu cuốc đất, làm cỏ, bón phân, mua con giống, chăm sóc… Tính từ lúc tái canh đến khi thu hoạch, người dân phải bỏ hàng trăm triệu đồng/ha.
“Chính vì vậy, để tái canh hiệu quả, chúng tôi rất mong muốn nhà nước cũng như dự án VnSAT hỗ trợ thông qua nhiều hình thức cung cấp phân bón, cây giống… để giảm bớt chi phí đầu tư cho người dân”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong cho biết, kinh tế chính trên địa bàn xã Đăk Krong chủ lực vẫn là cây cà phê. Hiện nay, nhu cầu tái canh cà phê trên địa bàn xã ước tính khoảng 300 ha.
Chính vì vậy, để cây phát triển bền vững, cần phải đầu tư bài bản ngay từ ban đầu, từ khâu làm đất cho đến chọn cây giống. Muốn vậy, rất cần nhà nước hỗ trợ từ khâu tập huấn cho đến việc đầu tư cây giống, phân bón để giảm bớt áp lực tài chính cho người dân khi đầu tư tái canh.
Để hỗ trợ người dân mạnh dạn tái canh, ông Kiên cho biết, ngoài kỹ thuật trồng tái canh, nhà nước hay dự án VnSAT nên hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị máy móc để thay sức người, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Ngoài ra, trong 1 - 2 năm đầu khi thực hiện tái canh, nhà nước cũng nên hỗ trợ kinh phí để người dân chuyên sâu vào tái canh, giúp cà phê đạt hiệu quả hơn.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, về tổng thể, việc thực hiện tái canh cà phê đã đạt được yêu cầu theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT đề ra. Cụ thể, diện tích tái canh cà phê đã được nhân rộng khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Cùng với đó, các vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp đã dần được thay thế bằng vườn cà phê tái canh cho năng suất cao. Người dân thực hiện tái canh cà phê theo đúng quy trình về canh tác vườn cây cho đến khâu chọn giống, mang lại hiệu quả tích cực.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao