Mô hình kinh tế “Bà Đỡ” Của Nhà Nông

“Bà Đỡ” Của Nhà Nông

Publish date Thursday. June 14th, 2012

Đưa về những giống lúa mới, giúp nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân - đó là những gì mà từ nhiều năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Liên Thôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã làm được.

Đây thực sự là “bà đỡ” của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
 
Năm 2011, HTXNN Liên Thôn đã mạnh dạn đưa vào sản xuất giống lúa BG1 vào gieo sạ trên các xứ đồng Cửa Hang, Bạc Na với tổng diện tích 7ha. Nhờ thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng lúa tăng gấp 1,5 lần so với các giống lúa truyền thống như Q5, Khang dân 18. Đến nay, diện tích lúa BG1 không ngừng được mở rộng, lên tới 13ha, thay thế dần giống lúa Khang dân 18 đã được trồng nhiều năm đang bị thoái hoá, năng suất thấp.

Ông Hoàng Văn Nhân, Chủ nhiệm HTXNN Liên Thôn cho biết, vụ xuân năm 2012 là vụ thứ ba HTX gieo cấy giống lúa mới này. Do được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung nên lúa không bị lẫn, gạo ngon, sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng và phân bón Từ Liêm nên doanh nghiệp đã thu mua toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.

Đến nay, toàn HTX đã thu hoạch 100% diện tích lúa BG1, năng suất bình quân đạt 69,44 tạ/ha. Nhìn những sân thóc phơi vàng óng, chị Kiều Thị Huyền, thôn Độ Lân phấn khởi cho biết: Giống lúa BG1 có ưu điểm nổi trội so với những giống lúa khác là thời gian sinh trưởng ngắn, vụ xuân muộn 125 - 135 ngày, khả năng chống chọi sâu bệnh tốt, nhất là không nhiễm đạo ôn vụ xuân. Đặc biệt cho năng suất cao, gạo ngon, giá bán gấp 1,5 lần so với giống lúa Khang dân truyền thống. Nếu trong thời gian tới, HTX có chủ trương mở rộng diện tích cấy giống lúa BG1 thì gia đình chị sẽ đăng ký cấy 100% diện tích.

Không chỉ thành công trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của bà con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Ban quản trị HTXNN Liên Thôn còn thường xuyên đưa xã viên đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương khác. Ông Nhân cho biết, từ đầu năm đến nay, HTX đã đưa bà con đi tham quan mô hình HTX chăn nuôi lợn ở Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), mô hình cấy lúa hàng hoá ở các  huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức… Đặc biệt trong tháng 7 tới, HTX sẽ cử 4 xã viên đi tập huấn kỹ thuật gieo cấy mạ khay ở tỉnh Thanh Hóa để từng bước đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

Related news

cho-dua-vung-chac-cua-nong-dan Chỗ Dựa Vững Chắc Của… nguoi-hre-dua-khoa-hoc-ky-thuat-vao-ruong-mia Người Hrê Đưa Khoa Học…