Tin nông nghiệp “Bà đỡ” nông dân ở bán đảo Cà Mau

“Bà đỡ” nông dân ở bán đảo Cà Mau

Author Chúc Ly, publish date Monday. November 14th, 2016

Từ nhiều năm nay, hợp tác xã (HTX) Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) là chỗ dựa, “bà đỡ” thiết thực, hữu ích cho nhiều hộ nông dân trong sản xuất. Nhờ được Hội ND xã và HTX Minh Hà A nhiệt tình hỗ trợ, định hướng trong canh tác mà đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình trở nên khấm khá.

Hướng tới sản xuất hiện đại

Theo Hội ND xã Khánh Bình Đông, HTX  Minh Hà A được thành lập năm 2006, với 45 thành viên. Đến năm 2015, nhằm nâng cao hoạt động của HTX, giúp xã viên có đời sống kinh tế ổn định, Hội ND và các xã viên HTX Minh Hà A đã bàn bạc và đi đến quyết định phải xây dựng lại HTX theo hướng HTX kiểu mới. Sau khi củng cố hoạt động, nay HTX Minh Hà A  có 64 thành viên, tổng vốn góp sau chuyển đổi gần 2 tỷ đồng.

Trong ảnh: Ông Vũ Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Minh Hà A kiểm tra lúa mới gieo sạ. Ảnh: Chúc Ly 

Năm 2015, tổng doanh thu từ sản xuất lúa của HTX Minh Hà A là trên 4,7 tỷ đồng (lợi nhuận gần 2,4 tỷ đồng); tổng lợi nhuận từ cây màu trên 3 tỷ đồng; thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt trên 80 triệu đồng/năm, trong đó có 15 hộ thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng.

Ông Từ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Hội ND xã Khánh Bình Đông cho biết, sau khi chuyển đổi, để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận với những giải pháp canh tác tiến bộ, HTX đã phối hợp các nhà khoa học hướng dẫn xã viên những phương pháp canh tác mới. Đồng thời, được ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp theo quy trình IPM; bước đầu HTX đã hình thành vùng sản xuất tập trung. Hiện HTX có hơn 40 xã viên đầu tư mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy xới loại nhỏ để phục vụ xuất và sơ chế ở 2 vụ lúa, đồng thời còn được ngành chức năng hỗ trợ 1 máy sấy, 2 thùng suốt. Thông qua nguồn lực của xã viên và sự hỗ trợ của nhà nước, HTX đã được trang bị phương tiện máy móc phục vụ canh tác, từng bước cơ giới hoá sản xuất. Nhờ đó, mọi công đoạn được các xã viên thực hiện chủ động, chi phí giảm hơn so với thuê bên ngoài gần 10%.

Ổn định đời sống xã viên

Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm HTX đều có khoảng 10ha canh tác được Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Cà Mau chọn làm điểm chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống theo mô hình cánh đồng lớn. Xã viên được học quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa giống. Cuối vụ hộ đạt tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận điểm sản xuất giống lúa cộng đồng và được bao tiêu sản phẩm. Đến nay HTX có tổng diện tích 150ha, với 64 thành viên; mỗi năm làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Đăng Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Minh Hà A, cho hay: Nhờ trở thành vùng nguyên liệu ổn định, lại có kỹ thuật sản xuất thành thục nên HTX được nhiều công ty tin tưởng đến thực hiện hợp đồng bao tiêu, xã viên có lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 500-700 đồng/kg lúa. Sau 2 vụ lúa, HTX còn khuyến khích xã viên đưa cây màu xuống ruộng. Hiện mỗi vụ màu có khoảng 20ha trong HTX có đủ điều kiện trồng, sau khi trừ chi phí mỗi ha có lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Cũng theo ông Vũ, riêng gia đình ông với tổng diện tích là 6ha, mỗi năm ông dành ra 2,5ha sản xuất lúa giống, còn lại là sản xuất lúa hàng hóa, tổng lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Còn xã viên Ðinh Văn Phúc bộc bạch: Lợi nhuận của các xã viên cao hơn so với nông dân bên ngoài là do việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời sản xuất tập trung nên tạo được uy tín, giá bán luôn cao hơn bên ngoài. Bên cạnh đó, các hộ còn biết tận dụng đất đai để làm 1 vụ màu, đây là nguồn thu nhập đáng kể.


Related news

cuoc-chien-nhan-sam-trung-han-tai-thi-truong-viet-nam Cuộc chiến nhân sâm Trung… 8-ngay-hoi-gioi-thieu-quang-ba-cam-cao-phong 8 ngày hội giới thiệu,…