Bà Rịa - Vũng Tàu Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Nhiều Mô Hình Hiệu Quả
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay thế cây lúa và các loại cây trồng không hiệu quả đã được triển khai trong những năm gần đây. Nhiều địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những mô hình chuyển dịch thành công, tăng thu nhập cho người nông dân ở những vùng không thuận tiện để sản xuất.
Từ 10 hộ dân ban đầu, đến nay xã Tân Hải, huyện Tân Thành đã hình thành nên một vùng chuyên canh rau xanh. Trong ảnh: Nông dân xã Tân Hải kiểm tra rau trước khi bán cho thương lái đưa ra thị trường.
Theo Sở NN-PTNT, việc chuyển dịch cơ cấu cấy trồng trên địa bàn tỉnh diễn ra cách đây hơn 10 năm. Trong đó, diện tích đất lúa 2 vụ chuyển sang trồng rau, màu và những giống cây trồng chịu hạn cho hiệu quả cao như mía, mè đen, bắp… đã hình thành một hướng sản xuất mới và dần phát triển trên quy mô lớn. Ông Lê Tấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở BR-VT đã bước đầu thành công với việc hình thành những vùng chuyên canh như rau xanh, mía...
Năm 2002, xã Tân Hải (huyện Tân Thành) đã thực hiện việc chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng rau. Từ 10 hộ dân ban đầu, hiện xã Tân Hải có khoảng 600 hộ trồng rau với tổng diện tích 145ha, chiếm hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tạo nên một vùng chuyên canh rau xanh của tỉnh. So sánh việc trồng rau so với cây lúa, bà con nông dân xã Tân Hải khẳng định, trồng rau cho hiệu quả cao hơn gần 10 lần trên cùng diện tích.
Anh Nguyễn Văn Toản, một hộ trồng rau tại thôn Láng Cát xã Tân Hải phân tích: “Từ khi chuyển đổi từ cây lúa sang trồng rau, mỗi năm gia đình tôi có thể trồng được 10 vụ rau, trong khi lúa chỉ được 2 vụ. Nhờ trồng rau, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn so với trước đây. Vì vậy, gia đình tôi đang có kế hoạch tăng diện tích trồng rau từ 3 sào lên 1ha”.
Theo Hội Nông dân xã Tân Hải, để hỗ trợ cho việc trồng rau, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng rau cũng như bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Năm 2013, xã Tân Hải đã cải tạo lại hệ thống thủy lợi, bảo đảm việc tiêu nước trong mùa mưa để bà con yên tâm sản xuất trên những vùng trũng.
Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền đang tính đến hướng, mỗi năm sẽ trồng 2 vụ lúa và một vụ màu để thay thế vụ lúa vào mùa khô. Trong ảnh: Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt trước cảnh đồng bị bỏ không do thiếu nước vào mùa khô.
Cây mía tím cũng đã “bén duyên” và cho hiệu quả cao với nhiều hộ dân tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành). Theo thống kê của UBND xã Châu Pha, diện tích trồng mía tím tại đây đã lên đến 60ha; hộ trồng ít khoảng 3 sào, hộ trồng nhiều thì 3ha.
Anh Lương Hữu Lâm, ở ấp Suối Tre cho biết: “Tôi đã trồng nhiều loại cây ăn trái ngắn ngày, trồng rau màu tốn nhiều công sức, phân bón, nước tưới nhưng hiệu quả không cao bằng cây mía. Vì vậy, từ năm 2010, gia đình tôi đã đưa cây mía vào canh tác chính và đạt được hiệu quả cao. Từ những kết quả khả quan ban đầu, tôi đã chuyển đổi 2ha đất sang chuyên trồng mía”.
Theo anh Lâm, 2ha mía, mỗi vụ gia đình anh thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Trồng mía tím đang được coi là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và UBND xã Châu Pha cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng chuyên canh mía tím trình UBND huyện Tân Thành phê duyệt.
Việc chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa vào mùa khô cũng phát triển mạnh trong thời gian qua. Xã An Nhứt (huyện Long Điền) có khoảng 80% dân số sống nhờ cây lúa nước. Mùa khô 2013-2014, xã An Nhứt có đến 50% diện tích ruộng (200ha) phải bỏ hoang do thiếu nước.
Trước tình trạng này, nhiều hộ đã mày mò và đem cây mè đen về thay thế cây lúa. Theo ông Trần Quang Phú, hộ tham gia trồng mè thay thế lúa đông - xuân 2013-2014, là vụ đầu tiên chưa biết áp dụng kỹ thuật nên năng suất thấp nhưng người trồng mè vẫn lãi khoảng 7 triệu đồng/ha.
Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, với những kết quả đạt được bước đầu trong việc trồng mè thay thế vụ lúa vào mùa khô, người nông dân tại đây đang tính đến hướng, mỗi năm sẽ trồng 2 vụ lúa và một vụ màu.
Tại những địa phương khác cũng đang chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của bà con chính là việc lựa chọn cây trồng cho phù hợp, đầu ra ổn định và lợi nhuận cao để hình thành những vùng sản xuất chuyên canh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao