Tin nông nghiệp Ba Vì đột phá bằng nông sản chủ lực

Ba Vì đột phá bằng nông sản chủ lực

Author Hải Đăng, publish date Tuesday. March 7th, 2017

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Ba Vì (Hà Nội) đã xác định chọn xây dựng, phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực là bước đột phá giúp cải thiện, năng cao thu nhập cho người dân... Thực tiễn đã chứng minh đó là hướng đi đúng đắn.

Trong ảnh: Nghề làm miến dong đang mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

Nhiều thương hiệu nổi tiếng

Thôn Minh Hồng, xã Minh Quang (Ba Vì) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng và chế biến miến dong. Vào mùa sản xuất, đi đến đâu cũng bắt gặp những lò miến thủ công đỏ lửa suốt từ sáng tới tối. Khắp trong nhà, ngoài sân, những phên miến được phơi thành hàng trông rất đẹp mắt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Duẫn – Chủ nhiệm HTX Miến dong Minh Hồng cho biết, năm 2001, sau khi được Sở KHCN cấp bằng công nhận làng nghề, nghề trồng dong riềng, chế biến tinh bột và làm miến Minh Hồng mới phát triển mạnh.

Ba Vì đang đặt mực tiêu phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm bình quân có thêm từ 2 – 4 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020, toàn huyện có trên 80% xã đạt chuẩn NTM.  Ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy Ba Vì

“Hiện nay, toàn thôn có 289 hộ thì có tới 193 hộ tham gia chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến. Những hộ còn lại dù không sản xuất nhưng đều trồng cây dong riềng để cung cấp cho các cơ sở chế biến. Ưu điểm của dong riềng là dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, càng nắng hanh thì củ càng cho bột trắng và thơm. Đến nay, diện tích cây dong riềng của toàn thôn đã đạt 180ha” – ông Duẫn chia sẻ.

Cũng theo ông Duẫn, hiện sản phẩm miến dong Minh Hồng đã được đầu tư khá mạnh cho khâu bao bì, nhãn mác với đầy đủ  tên, địa chỉ, số điện thoại của hộ sản xuất. Miến dong Minh Hồng đã được chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, giá bán buôn miến dong hàng năm tại Minh Hồng vào khoảng 50.000 đồng/kg. Nhờ nghề này mà nhiều hộ ở Minh Hồng có doanh thu hàng năm từ miến khoảng 250 triệu đồng.

Cùng với thương hiệu miến dong, thương hiệu gà đồi Ba Vì đang được thị trường Thủ đô cũng như cả nước biết đến. Hiện tại, quy mô chăn nuôi nông hộ ở Ba Vì trung bình từ 100 - 500 con gà thịt/hộ, quy mô chăn nuôi trang trại từ 2.000 - 10.000 con/trang trại, tập trung tại các xã vùng đồi gò như Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…

Là hộ nuôi gà quy mô lớn theo hướng VietGAP, trung bình mỗi năm gia đình bà Nguyễn Thị Bài ở thôn Liên Minh, xã Thụy An nuôi khoảng 10.000 con. “Nhờ có kiến thức và được địa phương hỗ trợ chính sách, thị trường, sản phẩm gà của tôi luôn dễ bán và được giá. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 150 triệu đồng” – bà Bài chia sẻ.

Ông Hà Xuân Hưng -  Bí thư Huyện ủy Ba Vì cho biết: “Ðối với Ba Vì, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và là thế mạnh của huyện. Hướng nông nghiệp đến sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng NTM là bước đi đúng đắn và có ý nghĩa to lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Cũng theo ông Hưng, để thực hiện điều đó, từ sớm huyện đã có chủ trương liên kết “bốn nhà” để tạo ra những vùng sản xuất khép kín, chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế lớn và hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người nông dân. “Đặc biệt, từ việc tạo môi trường đầu tư tốt, huyện đã thu hút và tạo điều kiện cho 546 doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn phát triển. Ngoài ra, huyện còn thu hút được nhiều doanh nghiệp ngoài huyện vào đầu tư phát triển kinh tế, nông nghiệp, cũng như liên kết với nông dân sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị” – ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cũng cho hay, hiện huyện đã xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu như sữa Ba Vì, chè Ba Vì, miến dong Minh Hồng, gà đồi Ba Vì… nhờ thế mà nông dân có thu nhập cao, trong đó nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Phấn đấu trên 80% số xã đạt chuẩn NTM

Ông Hưng cho biết thêm, trong việc triển khai xây dựng NTM của Ba Vì đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Điển hình là phong trào “Dồn điền, đổi thửa”, đến nay Ba Vì đã dồn đổi được hơn 5.300ha, đạt 116% kế hoạch thành phố giao. Toàn huyện đã bê tông hóa 220km và đào đắp 1.100km đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng 259,98km đường giao thông nông thôn. Hiện, bình quân thu nhập đầu người của huyện đã đạt gần 35 triệu đồng/người/năm.

Đến cuối năm 2016 vừa qua, huyện Ba Vì đã có thêm 3 xã gồm Sơn Đà, Đông Quang và Thụy An đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay, toàn huyện có 10/33 xã về đích NTM, chiếm 30,3%.  “Dù kết quả còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác song Ba Vì cũng tự hào là có tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đạt cao, có nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng được người tiêu dùng Hà Nội và cả nước tin dùng” – ông Hà Xuân Hưng khẳng định.


Related news

san-xuat-nong-nghiep-2-thang-dau-nam-trong-trot-thiet-hai-do-mua-trai-mua Sản xuất nông nghiệp 2… ot-cay-khanh-duong-len-huong Ớt cay Khánh Dương “lên…