Bắc Giang: Tiềm năng mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng
Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, giới thiệu các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao trong nuôi thủy sản nước ngọt là rất cần thiết và cấp bách cho ngành nông nghiệp. Trong đó, cá chép giòn có thể là đối tượng nuôi có tiềm năng rất lớn cho nông dân nuôi cá lồng bè cả về hiệu quả kinh tế lẫn đầu ra cho sản phẩm.
Kiểm tra đánh giá mô hình
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tiến đến xuất khẩu, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Thế triển khai mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng, quy mô 400 m3 lồng tại hồ Ngạc Hai, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế.
Thực tế khảo sát tại địa phương chọn được 02 hộ tham gia mô hình. Mô hình nuôi cá chép giòn có một đặc điểm khác so với nuôi cá chép thường đó là thức ăn. Để cho thịt cá ngon và trở nên giòn thì người nuôi sẽ phải cho ăn hạt đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein khá cao gồm 31%, với 8 loại axit amin thiết yếu và 49% hàm lượng tinh bột… chính là điều kiện thay đổi chất lượng thịt của cá, giúp tăng độ dai cơ thịt khiến cho thịt của cá chép giòn khác với thịt cá chép bình thường.
Sau 9 tháng triển khai, đến nay mô hình cho kết quả khả quan. Cá đạt trọng lượng bình quân 1,8-2,2 kg/con, tỷ lệ sống đảm bảo trên 73%, năng suất ước đạt 21,6 kg/m3, sản lượng thu ước đạt trên 8 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 140.000 đồng/kg, mô hình thu được trên 1 tỷ đồng, trừ toàn bộ chi phí người nuôi lãi trên 1,2 triệu đồng/m3 lồng. Cá thu hoạch được các thương lái, cửa hàng ở Hà Nội đặt mua.
Là hộ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang nuôi cá chép giòn, anh Trương Văn Chiến cho biết, gia đình anh đã nuôi cá nhiều năm nhưng trước đây chủ yếu nuôi cá truyền thống. Năm 2017, được sự tư vấn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chép giòn trong lồng và tham quan thực tế một số mô hình nên khi bắt tay vào nuôi thấy thuận lợi. Quá trình nuôi cá chép giòn cho thấy, thời gian nuôi cá chép giòn dài hơn cá chép thường. Cá chép nuôi bằng thức ăn công nghiệp như các loại cá khác khoảng 6-7 tháng, sau đó phải chọn lọc những con cá đạt trọng lượng 1 kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng đậu tằm trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Để thu được 1 tấn cá chép giòn thương phẩm thì tiêu tốn khoảng 2 tấn đậu tằm.
Đánh giá về thành công của mô hình, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang nhấn mạnh, mô hình triển khai đã mở ra một hướng nuôi mới cho người dân huyện Yên Thế và những huyện có nhiều hồ như Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn. Sau khi mô hình được nghiệm thu, các hộ tham gia và nhiều hộ dân lân cận đều cho rằng nên tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng, góp phần thay đổi phương thức nuôi cá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ dân và nâng cao đời sống gia đình.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao