Tin thủy sản Bắc Ninh thành công từ mô hình nuôi cá nheo thương phẩm

Bắc Ninh thành công từ mô hình nuôi cá nheo thương phẩm

Author Trung Nguyên - Nguyễn Hoài, publish date Wednesday. March 16th, 2016

Mô hình được triển khai với quy mô 4.000 con giống/2.000m2 ao, tại xã Quỳnh Phú (Gia Bình) và xã Trung Chính (Lương Tài), với 2 hộ tham gia. Để mô hình đạt kết quả cao, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh đã phối hợp với các xã tiến hành khảo sát chọn hộ tham gia xây dựng mô hình; kiểm tra công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo đúng mức hỗ trợ.

Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá nheo của gia đình, ông Trần Đình Sơn, thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài) cho biết: Với diện tích 1.000m2 mặt nước, gia đình từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu lãi xấp xỉ 20 triệu đồng. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá nheo thương phẩm, gia đình đã tham gia nuôi thử nghiệm với số lượng 2.000 con. Thực tế cho thấy, cá nheo dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nuôi sống cao, đạt từ 75 - 80%.

Sau 8 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng từ 1,2kg - 1,5 kg/con, ao của gia đình cho thu hoạch khoảng 2.250kg cá thương phẩm, với giá thị trường 70.000 đồng/kg như hiện nay trừ chi phí mỗi lứa cá cho thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng, gấp 2 - 3 lần so với nuôi các giống cá truyền thống”. Năm 2016, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thả gần 2.500 cá nheo giống.

Cá nheo là loài cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường, chúng ăn các loại thức ăn chế biến, thức ăn chăn nuôi và một số phụ phẩm trong nông nghiệp… Do vậy, có thể tận dụng thức ăn đó để giảm chi phí chăn nuôi. Cá nheo có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm bệnh, phù hợp với các nông hộ có diện tích ao, đầm nhỏ.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi cá nheo thương phẩm, ông Nguyễn Văn Xuyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Cùng với mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá trắm đen, kết quả khả quan của mô hình nuôi cá nheo thương phẩm đã mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân”.

Từ hiệu quả của mô hình trình diễn cần khuyến khích bà con đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo. Nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đây cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao-nguồn thực phẩm đạm tươi sống đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá nheo cần vốn đầu tư ban đầu lớn 18.500 đồng/con giống. Để nhân rộng mô hình ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.


Related news

xuat-khau-muc-bach-tuoc-tang-tro-lai Xuất khẩu mực, bạch tuộc… san-luong-ca-tra-giam-manh Sản lượng cá tra giảm…