Tin nông nghiệp Bắc thêm một nhịp cầu gỡ khó cho nhà nông

Bắc thêm một nhịp cầu gỡ khó cho nhà nông

Author Hoàng Hiền, publish date Wednesday. September 21st, 2016

Tham dự hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” lần này có sự tham gia của hơn 100 đại biểu nông dân trong huyện cùng một số doanh nghiệp, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Phát triển cây trồng… Ban cố vấn của chương trình là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp.

Đã nuôi cá là phải bón vôi...

Ngoài những hoạt động hội thảo trong nhà giúp cung cấp kiến thức làm ăn cho nông dân, Ban tổ chức sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hội thảo đầu bờ, đầu ruộng theo hình thức “cầm tay chỉ việc” một cách sinh động, thiết thực, nhằm giúp bà con tiếp thu nhanh kiến thức, ứng dụng vào sản xuất hiệu quả”.
Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Mở đầu buổi hội thảo, không khí còn khá trầm lắng, tuy nhiên sau khi Ban tổ chức phát phiếu câu hỏi, ở bên dưới hội trường đã có nhiều tiếng xì xào, trao đổi của bà con và cuối cùng, Ban cố vấn đã nhận được gần 70 câu hỏi đủ các lĩnh vực. Các chuyên gia đã giải đáp từng câu hỏi, tư vấn chi tiết cho bà con từ kỹ thuật trồng cây chuối và các cây có múi (cam, bưởi,…); phòng và chữa bệnh cho cá, gà, vịt, lợn; biện pháp xử lý bệnh héo xanh ở cây cà chua, khoai tây và dưa chuột…

Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Phù Bật, xã Hồng Minh hỏi: “Vào cuối xuân - đầu hè, cá trắm cỏ thường kém ăn và chết hàng loạt. Xin cho biết cá bị bệnh gì và biện pháp về phòng, trừ bệnh ở cá trắm cỏ?”. Trả lời câu hỏi của chị Hường, TS Bùi Quang Tề - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết: Cá trắm cỏ thường hay bị một số bệnh, trong đó bệnh nguy hiểm nhất là xuất huyết do virus, thường vào cuối xuân - đầu hè. Cá bị nặng nhất từ cỡ 1 – 6 lạng, với biểu hiện kém ăn, bỏ ăn, thịt đỏ, da cá màu tối sẫm, nổi lờ đờ ven bờ ao rồi lặn dần.

“Chúng tôi đã nghiên cứu bệnh xuất huyết này từ vài chục năm nay nhưng chưa tìm ra được thuốc hữu hiệu. Vì thế, cách tốt nhất là bà con phải ngăn chặn, phòng ngừa. Biện pháp phòng bệnh là trước mỗi vụ nuôi, cần làm tốt công tác tẩy dọn ao nuôi bằng cách bơm cạn nước, vét bùn và rắc vôi. Trước mùa cá dễ phát bệnh từ 7-10 ngày, cần sử dụng các loại thuốc khử trùng ao nuôi như Vicato, Iodine..., hạn chế thay nước từ ngoài vào. Bà con cũng nên cho cá ăn thức ăn có trộn vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cá. Mỗi tháng ăn 1 đợt trong khoảng 7 ngày” – TS Tề nhấn mạnh. Ông Tề cho biết thêm: “Đã nuôi cá là phải bón vôi, không phải để chữa bệnh, mà để cung cấp canxi cho cá. Trong suốt vụ nuôi phải luôn bón vôi với liều lượng 20kg/1.000m3 nước. Xin nhắc lại với bà con lần nữa, vôi không phải là thuốc chữa bệnh mà là chất dinh dưỡng, chất khử trùng nước, làm sạch môi trường”.

Vào cuối mùa xuân, bà con có thể mua thuốc phòng và cho cá ăn ngay tỏi tươi giã nát với liều lượng 0,5kg tỏi/tạ cá, cho ăn ít nhất 3 ngày hoặc 5 ngày liên tục/tháng. Hoặc có thể sử dụng thuốc KNO4-12 cho cá với liều lượng 10gr thuốc/40kg cá/ngày, cho ăn 3-5 ngày liên tục/tháng.

“Nóng” vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Phú Xuyên là huyện nằm ở phía nam Hà Nội và đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng rất mạnh mẽ. Vì vậy, có khá nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến việc nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào... Anh Lê Văn Việt ở thôn Tư Can, xã Châu Can hỏi: “Năm 2003, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn đã được xã cho phép chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC. Xin hỏi gia đình tôi nói riêng và các hộ chuyển đổi năm 2003 cần phải làm thủ tục, giấy tờ gì để làm cơ sở pháp lý sau này?”.

Giải đáp thắc mắc của anh Việt, ông Trần Công Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, đối với các mô hình đã chuyển đổi theo quy hoạch, đương nhiên chính quyền sẽ cho thẩm định và ký phê duyệt để chuyển đổi lại nhằm đảm bảo tính pháp lý. Còn với mô hình chuyển đổi sai mục đích, sẽ được rà soát, kiểm tra từng vùng cụ thể để có phương án xử lý phù hợp.

Ông Thành cũng cho biết thêm, trong trường hợp của anh Việt, nếu gia đình anh chưa làm dự án chuyển đổi, tức là đã sử dụng đất sai mục đích; còn nếu đã có đề án, mà lúc này hết thời nhiệm thì yêu cầu gia đình anh liên hệ với UBND xã, Phòng kinh tế để được hướng dẫn làm lại đề án.

Một số bà con lại rất quan tâm đến tình hình triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Đại diện lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, từ khi thực hiện chương trình đến nay, đời sống nông dân trong huyện đã từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 26,47 triệu đồng/người. Thời gian qua, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được hơn 1.700ha, hình thành hơn 70 trang trại quy mô lớn. Việc đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đã tăng giá trị sản xuất trên mỗi ha từ 2-3 lần, thậm chí 5-6 lần so với cây lúa. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đẩy mạnh đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào chương trình xây dựng NTM.

Mặc dù hội thảo chỉ có một buổi, song hầu hết các câu hỏi bà con thắc mắc, băn khoăn đều được các chuyên gia giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu. Một số bà con cho biết họ rất hài lòng vì đã được gỡ rối những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Quá ở thôn Phong Triều, xã Nam Triều, bày tỏ: “Những hội thảo như thế này rất có ý nghĩa với chúng tôi. Hội thảo đã cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích, chẳng khác nào một khóa tập huấn ngắn hạn, qua đó chúng tôi có thể tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng để khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có thu nhập cao hơn”.


Related news

got-chan-asin-cua-bao-hiem-nong-nghiep Gót chân Asin của bảo… dat-ngang-da-quy-vi-sao-sam-my-van-duoc-lung-mua-o-chau-a Đắt ngang đá quý, vì…