Tin thủy sản Bạn có biết carotenoids ở sò điệp thay đổi theo gì không?

Bạn có biết carotenoids ở sò điệp thay đổi theo gì không?

Author Hà Tử, publish date Thursday. June 11th, 2020

Tìm hiểu về hàm lượng carotenoids quý giá trên sò điệp - loài “siêu hải sản” từ biển khơi của giới quý tộc.

Nhu cầu bổ sung carotenoids

Carotenoids là một sắc tố có mặt khắp nơi trong tự nhiên, chịu trách nhiệm tạo màu đỏ, cam và vàng cam trong các loại cây, hoa và quả cũng như màu sắc của một số loài chim, côn trùng và bao gồm luôn cả động vật giáp xác như tôm, cua sống dưới nước. Những sắc tố này đóng vai trò rất quan trọng trong các nghiên cứu về công nghệ sinh học vì những lợi ích tiềm năng của chúng trong việc chăm sóc sức khỏe con người, là nguyên liệu chế biến trong ngành thực phẩm, dược phẩm.

Carotenoids có cấu trúc phân tử liên quan đến chức năng chống oxy hóa tuyệt vời, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và đặc biệt là tăng cường hệ miễn dịch, phục hồi các thương tổn sâu ở cấp độ phân tử, các tổn thương do quá trình oxy hóa các tế bào lympho trên người. Tuy nhiên con người và đa số động vật không thể tự tổng hợp carotenoids, nên rất cần thiết phải bổ sung một lượng thích hợp vào chế độ ăn hằng ngày.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàm lượng carotenoids trong động vật ngày càng lớn. Bên cạnh đó người ta ngày càng hướng tới sử dụng những thực phẩm mang tính chất tự nhiên. Trên động vật, carotenoids là một chỉ số quan trọng về tình trạng dinh dưỡng và được xem là dấu hiệu khởi động, nhằm tăng sức hấp dẫn bạn tình trong mùa sinh sản. Tuy nhiên hàm lượng carotenoids lại được đánh giá là phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố di truyền, giới tính, hoạt động sinh lý, môi trường sống của sinh vật và các mùa trong năm. Sống ở biển và đại dương, sò điệp (Chlamys nobilis) thuộc loài nhuyễn thể, là loài động vật chứa một lượng lớn caroteroids quý giá trong tự nhiên.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng carotenoids ở sò điệp

Sò điệp là một nguồn thực phẩm quan trọng và mang giá trị kinh tế lớn trong ngành thủy sản ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á bao gồm Nhật Bản, Indonesia, miền nam Trung Quốc kể từ những năm 80 của thế kỉ trước. Carotenoids quy định nhiều màu và biểu hiện trên vỏ của sò điệp, bao gồm cam, vàng, tím, trắng. Những nghiên cứu trước đây đã chứng minh, sò điệp vàng với mô tế bào vàng chứa hàm lượng carotenoids cao hơn đáng kể so với sò điệp màu trắng và màu nâu. Vì vậy mục tiêu hiện tại của nghiên cứu này là khám phá sự thay đổi tổng hàm lượng carotenoids trong các mô ở sò điệp đực và cái có khác nhau hay không? Những kết quả của nghiên cứu này dự kiến sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nuôi sò điệp vàng ở Châu Á.

Sò điệp vàng với mô tế bào vàng chứa hàm lượng carotenoids cao hơn đáng kể so với sò điệp màu trắng và màu nâu. 

Thu sò điệp từ Quảng Đông, Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 12 trong cùng một năm, mỗi tháng gồm bốn con đực và bốn con cái. Tiến hành xác định tổng hàm lượng caroteroids trong phòng thí nghiệm bằng các công nghệ hiện đại rồi dùng phân tích thống kê để tìm ra sự khác biệt về carotenoids trong các mô của sò điệp vàng đực và cái ở những mùa khác nhau trong năm. Đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai thì sò điệp sẽ rất tốt cho não và hệ thần kinh của trẻ nhỏ thông qua chế độ ăn uống của bà mẹ. Và thú vị hơn là sò điệp còn thúc đẩy cho quá trình giảm cân.

Kết quả cho thấy lượng carotenoids ở tuyến sinh dục của con cái cao hơn tuyến sinh dục của con đực rất nhiều. Carotenoids ở tháng 1 trong sò điệp cao và đạt giá trị cao nhất vào tháng 3 và tháng 4. Từ tháng 5, hàm lượng này bắt đầu giảm mạnh, sau cùng sẽ bắt đầu tăng trở lại vào vào tháng 9.

Giải thích về vấn đề hàm lượng carotenoids ở tuyến sinh dục sò điệp cái cao hơn là do sò cái đòi hỏi nhiều lipid hơn trong quá trình hình thành tuyến sinh dục của chúng. Lipid tích lũy trong trứng là nguồn năng lượng chính cho sự phát triển của ấu trùng ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân vì carotenoids có thể hòa tan các hợp chất lipid, cho ấu trùng dễ hấp thu hơn.

Hàm lượng carotenoids sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mùa vụ. Hàm lượng này cao nhất vào mùa xuân. Dựa trên những số liệu tổng kết này, nông dân nuôi sò điệp được khuyến khích thu hoạch ở thời điểm tháng 3 đến tháng 4 trong năm để có được chất lượng cao nhất về carotenoids. Và nên thực hiện nhiều nghiên cứu nữa tập trung vào hiệu quả của carotenoids trong các phương pháp chế biến và quá trình bảo quản.


Related news

selen-huu-co-chat-chong-oxy-hoa-manh-cho-ca Selen hữu cơ: Chất chống… nuoi-thuy-san-tren-bien-theo-huong-cong-nghiep Nuôi thủy sản trên biển…