Tin thủy sản Bàn giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững

Bàn giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững

Author NHẬT THANH, publish date Thursday. April 7th, 2016

Thách thức ngành thủy sản ngày càng tăng

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, ngành Thủy sản Việt Nam đóng vài trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong việc cung cấp lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động. Trong những năm qua, ngành đã đạt được những thành tựu đáng kể, tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 6,55 triệu tấn, tăng 27,3%. Đến nay, thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành sản xuất thủy sản Việt Nam có quy mô nhỏ, đặc biệt nghề khai thác thủy sản còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro, năng suất và hiệu quả còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu. Vì vậy, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến một nghề cá hiện đại.

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù có bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực thủy sản, nhưng Khánh Hòa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, các mô hình hoạt động thủy sản ở Khánh Hòa thiếu sự gắn kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ thủy sản. Vì vậy, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu. Tuy là tỉnh có nhiều cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, nhưng tại Khánh Hòa, hoạt động thu mua phần lớn thông qua hệ thống nậu vựa, hoặc đại lý nên các doanh nghiệp chế biến khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc đầu vào theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, Khánh Hòa sẽ xây dựng mô hình liên kết giữa các chủ thuyền theo đối tượng cùng nghề và cùng tự nguyện hợp tác gắn với chế biến. Qua liên kết này, giúp cho ngư dân được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, cung cấp thông tin về ngư trường kịp thời, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, tăng thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất…

Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Sự biến đổi khí hậu khó lường, điều kiện thị trường bất ổn làm cho những rủi ro thách thức với ngư dân trên biển và nghề cá khu vực ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn và yêu cầu của quốc tế về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đã đặt ra cho Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực châu Á nói chung nhiều thách thức, khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của mình”.

Chống đánh bắt bất hợp pháp

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 3.967 vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển, với tổng số người bị thương là 2.364 trường hợp. Trước tình hình đó, việc chống lại các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không kiểm soát và không báo cáo trong khu vực cần phải tính đến các yếu tố về an toàn cho tàu cá và ngư dân khi khai thác trên biển. Việt Nam đã và đang nỗ lực hợp tác với các nước trong khu vực xây dựng cơ chế đối thoại nhằm trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư trường và tàu cá hoạt động trên các vùng biển của nhau trên tinh thần hợp tác, hữu nghị và đảm bảo an toàn cho ngư dân. Hiện nay, đường dây nóng Việt Nam - Philippines đã chính thức khai thông và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán với Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Trao đổi bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, vấn đề thế giới và khu vực quan tâm hiện nay là chống đánh bắt bất hợp pháp trên biển. Trong những năm gần đây, ngư dân Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức trong vấn đề an toàn khi thực hiện hoạt động khai thác thủy sản ở các vùng biển của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh diễn biến trên biển ngày càng phức tạp. Lần này, Việt Nam đề nghị các nước phải quan tâm đến vấn đề rủi ro và những tai nạn đối với nghề cá và ngư dân ở trên các vùng biển để chia sẻ kinh nghiệm, có trách nhiệm với ngư dân trên tinh thần hợp tác hữu nghị và nhân đạo.

“Ngư dân của Việt Nam làm nghề cá quy mô nhỏ, đánh bắt theo kinh nghiệm, thời gian bám biển nhiều nên không có điều kiện để cập nhật kiến thức. Thời gian qua, công tác tập huấn cho ngư dân đã được triển khai nhưng chưa thực sự tốt và cần phải có quá trình. Một số trường hợp do nguồn lợi ở các vùng biển đang cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả nên ngư dân đã tìm kiếm ngư trường mới. Trong quá trình tìm kiếm, ngư dân lạc vào vùng biển của nước khác mà vô tình không biết hoặc biết rồi vẫn cố tình. Trường hợp cố tình thì chúng ta phải giáo dục và xử lý nghiêm. Trường hợp không biết thì phải có tập huấn, hướng dẫn. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn và thành lập tổ công tác xử lý các trường hợp cố tình vi phạm”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.

Seafdec là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1967, hoạt động thông qua ban thư ký được đặt tại Bangkok (Thái Lan) và 5 ban kỹ thuật, gồm: Ban đào tạo tại Thái Lan; Ban nghiên cứu nghề cá biển tại Singapore; Ban nuôi trồng thủy sản tại Philippines; Ban quản lý và Phát triển nguồn lợi thủy sản tại Malaysia; Ban quản lý và phát triển nguồn thủy sản nội địa tại Indonesia. Hội đồng Giám đốc Seafdec là cơ quan tối cao của trung tâm. Các cuộc họp của Hội đồng Giám đốc Seafdec nhằm đề ra phương hướng vận hành các hoạt động của Seafdec, đảm bảo các ưu tiên phát triển thủy sản trong khu vực cũng như bàn giải pháp triển khai các hoạt động.


Related news

ben-tre-han-che-tha-giong-tom-bien-nuoi-do-anh-huong-thoi-tiet-va-dich-benh Bến Tre hạn chế thả… lam-dung-khang-sinh-trong-nuoi-trong-thuy-san Lạm dụng kháng sinh trong…