Mô hình kinh tế Báo Động Ô Nhiễm Thuốc BVTV Trong Nuôi Tôm

Báo Động Ô Nhiễm Thuốc BVTV Trong Nuôi Tôm

Publish date Tuesday. February 28th, 2012

Dư lượng lớn

Theo ông Phạm Minh Sang, PGĐ Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, ngày 27/12/2011, Đoàn kiểm tra đánh giá ô nhiễm môi trường do dư lượng thuốc BVTV tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ĐBSCL do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu, đã đến làm việc tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tại đây, đoàn đã đi khảo sát thực địa, lấy một số mẫu nước và bùn lắng rồi giao cho Trung tâm này tiến hành phân tích tồn dư thuốc BVTV. Có 7 loại thuốc BVTV được chọn để phân tích tồn dư trong các mẫu nước và bùn, gồm: Cypermethrin, Permethrin, Deltamethrin, Endosulfan, Chlorpyrifos-Ethyl, Profenofos và Fipronil. Đây là những loại thuốc được sử dụng khá phổ biến ở ĐBSCL (trừ Endosulfan là thuốc cấm sử dụng) và độc đối với động vật thủy sinh.
Kết quả phân tích cho thấy tình hình ô nhiễm thuốc BVTV rất đáng lo ngại, nhất là ở nguồn nước nuôi tôm. Toàn bộ 8 mẫu nước được phân tích đều có dư lượng Cypermethrin ở mức từ 0,016 đến 0,032 µg/l. Đây là mức dư lượng quá cao, vì theo ông Trần Quốc Việt, Trưởng phòng Thí nghiệm Trung tâm về môi trường (Viện Môi trường Nông nghiệp), Cypermethrin là chất cực độc đối với động vật giáp xác, chỉ cần có trên 0,005 ppb (0,005 µg/l) trong ao nuôi là tôm đã chết. Ngoài loại thuốc BVTV nói trên, các mẫu nước đều có dư lượng với những loại thuốc BVTV khác vượt quá xa mức cho phép như Permethrin (2 mẫu), Chlorpyrifos (3 mẫu) và Fipronil (3 mẫu). Các mẫu bùn ít phát hiện dư lượng hơn, nhưng trong số 13 mẫu bùn đem xét nghiệm thì có 3 mẫu dư lượng Cypermethrin 0,005 đến 0,108 µg/l, 2 mẫu có dư lượng Permethrin từ 0,009 đến 0,018 µg/l.
Từ kết quả phân tích trên, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, nhận xét rằng mẫu nước có dư lượng Cypermethrin thấp nhất được lấy ở điểm cầu Mỹ Thanh (Sóc Trăng). Đây là chỗ gần biển mà có dư lượng tới 0,016 µg/l là quá lớn. Càng vào sâu trong nội đồng, dư lượng thuốc BVTV trong nước sông càng cao. Bởi thế, đã có thể hiểu vì sao người nuôi tôm ở những vùng này cứ phàn nàn rằng vì sao họ không dùng bất cứ loại thuốc BVTV nào trong việc xử lý ao tôm mà tôm vẫn chết bởi hoại tử gan. Vì với dư lượng Cypermethrin có sẵn trong nước sông như thế thì đã đủ để gây hoại tử gan, khiến cho tôm chết liền.
Do đó, kết quả phân tích này là một sự cảnh báo rất lớn cho người nuôi tôm ở ĐBSCL. TS Hảo cho rằng Bộ NN-PTNT nên tổ chức lấy mẫu ở diện rộng hơn, qua đó có thể đánh giá được mức độ tồn dư thuốc BVTV trên quy mô rộng nhằm có những cảnh báo kịp thời cho người nuôi tôm ở ĐBSCL. Còn theo PGS.TS Lê Đức (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu nuôi tôm đã lâu, nuôi liên tục, nên các ao nuôi đã quá tải, chỉ cần một sự cố nhỏ là đủ để gây thiệt hại lớn cho con tôm
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước trong vụ tôm năm nay ở ĐBSCL là rất lớn. Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cho lấy mẫu kiểm tra, đánh giá lại môi trường nước ở các tỉnh khác thuộc vùng ven biển ĐBSCL, vì đã có những thông tin cho thấy các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh…, cũng đã phát hiện dư lượng Cypermethrin trong nước. Từ đó, Bộ NN-PTNT sẽ đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn kịp thời cho người nuôi tôm cách phòng ngừa, cải tạo lại ao nuôi để tránh bị thiệt hại xảy ra.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại danh mục các loại thuốc BVTV có ảnh hưởng xấu tới nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi xác định được các loại thuốc BVTV có ảnh hưởng xấu tới thủy sản, thì cũng không dễ đưa chúng ra ngoài danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, vì có những loại thuốc đang có tác dụng rất tốt trong việc phòng trừ sâu rầy trên cây trồng mà hiện chưa có thuốc thay thế. Vì thế, cần phải xác định ngưỡng dư lượng các loại thuốc BVTV có thể gây hại cho thủy sản để có giải pháp phù hợp.
Một vấn đề đang được đặt ra là hiện tại chúng ta chưa có một hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nước ở ĐBSCL. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, Tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án này, nhưng nhanh nhất thì phải 2 năm tới mới hoàn thành. Do đó, các địa phương không thể ngồi chờ mạng lưới này mà nên chủ động tổ chức các điểm quan trắc cảnh báo bằng các nguồn kinh phí khác nhau: kinh phí trung ương, kinh phí địa phương, kinh phí nghiên cứu khoa học… Đồng thời, nên huy động chính người nuôi tôm tham gia vào những công việc đơn giản như lấy mẫu nước, đo hàm lượng ôxi hòa tan, đo nhiệt độ…


Related news

chu-dau-tu-no-dan-khon-kho Chủ Đầu Tư "Nổ", Dân… xuat-khau-nong-lam-thuy-san-uoc-dat-3-6-ty-usd Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy…