Mô hình kinh tế Bảo Hiểm Bảo Minh “Quay Lưng” Với Người Nuôi Tôm

Bảo Hiểm Bảo Minh “Quay Lưng” Với Người Nuôi Tôm

Publish date Thursday. June 27th, 2013

Gần đây, nhiều thông tin bất cập từ phía người dân về vấn đề triển khai phí bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) mới. Những thay đổi mới trong hợp đồng BHNN giữa người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh đã gây nhiều bức xúc, tranh cãi.

Hiện nay, Tổng Công ty Bảo Minh “chủ động” đưa ra một bản sửa đổi hợp đồng riêng. Ngoài việc yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm với mức thu mới kể từ ngày 8/5 theo quy định của Bộ Tài chính, Bảo Minh buộc tất cả những hợp đồng của người nuôi tôm đã mua bảo hiểm trước ngày 8/5 cũng phải “đóng thêm” mức bảo hiểm theo quy định mới. Điều này khiến cho người dân nuôi tôm đã mua bảo hiểm vô cùng bức xúc.

Bất hợp lý

Ông Lê Việt Sử, ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, bức xúc: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thay đổi mới của Bộ Tài chính. Nhưng việc những hợp đồng đã ký trước ngày 8/5 thì phí bảo hiểm phải được tính theo hợp đồng cũ (theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011) chứ không thể áp dụng quy định mới được.

Mặc dù nuôi tôm thẻ phải mất hơn 2 tháng (tức là nếu tới thời gian thu hoạch sẽ vượt qua ngày 8/5), nhưng chúng tôi đã mua trước đó thì phí bảo hiểm cũng phải được tính theo trước đó và mức bồi thường khi thiệt hại cũng phải được áp dụng theo quyết định cũ”.

Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Minh buộc người dân phải đóng thêm theo quy định mới và chịu mức bồi thường thiệt hại theo quy định mới là bất hợp lý.

Giải thích điều này, ông Hồ Hải Đăng, Phó Giám đốc phụ trách Ban BHNN, Tổng Công ty Bảo Minh, lại khăng khăng: “Công ty căn cứ đúng theo quy định của Bộ Tài chính để đưa ra mức phí thu thêm từ hợp đồng phí mua bảo hiểm cho người dân hoàn toàn không sai”.

Theo quyết định mới của Bộ Tài chính, tỷ lệ thu phí bảo hiểm được áp dụng chung cho tất cả các loại hình canh tác là 9,72%, tăng 2,3% với hình thức nuôi thâm canh và tăng 1,7% đối với loại hình bán thâm canh so với quyết định ban đầu.

Tỷ lệ bồi thường thiệt hại thay vì theo quy định cũ đối với tôm thẻ chân trắng mức phí bồi thường cao nhất là 64% (55-59 ngày nuôi) thì nay giảm chỉ còn 38% (từ 47-49 ngày nuôi). Sửa đổi này khiến không ít người dân phải lo lắng. Như vậy, theo quy định mới này, các hợp đồng của người dân đã ký trước đây lại một lần nữa chịu thiệt. Trong khi đó, lợi ích lại thuộc về phía công ty bảo hiểm.

Mặt khác, Bảo hiểm Bảo Minh còn đơn phương chấm dứt hợp đồng với người nuôi tôm. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước (nơi thí điểm 3 xã mua BHNN), hiện nay có tới 26 hợp đồng mà người dân đã mua nhưng chưa được ký, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Công ty bảo hiểm “khước từ” ký hợp đồng với người dân và cho rằng không bán bảo hiểm nữa. Thừa nhận điều này, ông Đăng cho biết, do vùng mua bảo hiểm thuộc vùng đang bị dịch nên công ty sẽ “tạm thời” không bán bảo hiểm nữa và sẽ hoàn lại số tiền này cho người dân.

Phá vỡ hợp đồng

Ông Phan Văn Sơn, ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, bức xúc: “Nói không bán nữa là không bán nữa sao? Người dân đang trong lúc khó khăn, tiền vay bạc hỏi để đóng phí bảo hiểm. Mỗi người ít nhất cũng mất mấy chục triệu đồng vậy mà đã đóng tiền gần 2 tháng nay cũng không thấy mặt hợp đồng đâu. Nghe nói trả tiền lại, nhưng chẳng thấy tiền đâu”.

Không riêng gì ông Sơn mà nhiều hộ trong tỉnh đều không chấp nhận việc Bảo Minh đã thu tiền bảo hiểm hơn mấy tháng nay, giờ nói không bán bảo hiểm mà trả tiền lại.

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho người nuôi tôm Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung trong tình hình khó khăn dịch bệnh, việc thí điểm BHNN là động viên người nuôi tôm mua bảo hiểm để giảm rủi ro do dịch bệnh, tạo cơ hội để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Vậy mà Bảo hiểm Bảo Minh “ngang nhiên” chấm dứt hợp đồng, khiến người dân rất bức xúc.

Không những vậy, trong thời gian hơn 1 năm triển khai thí điểm BHNN cho người nuôi tôm Cà Mau, Bảo hiểm Bảo Minh đã không chi trả đúng như quy định hợp đồng khi người dân bị thiệt hại, khiến cho việc tái sản xuất dân gặp không ít khó khăn.

Cả huyện Cái Nước có 385 hợp đồng được ký, trên 134 ha với tổng số 340 hộ. Trong đó, hiện có 60 ha thiệt hại nhưng hiện chỉ bồi hoàn 38 ha. Con số bồi hoàn theo đúng hợp đồng còn quá ít, rất nhiều trường hợp gần 4 tháng vẫn chưa thấy bồi hoàn.

Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, bức xúc: “Hiện nay, chủ trương là khuyến khích người dân mua bảo hiểm, phát triển nuôi tôm. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn gởi Công ty Bảo Minh Chi nhánh Cà Mau ngày 4/6/2013 yêu cầu: Việc giải quyết trách nhiệm bồi thường khi có tổn thất xảy ra, công ty phải căn cứ vào các quy định hiện hành cũng như hợp đồng Bảo Minh đã ký kết”.

Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết: 3 xã áp dụng thí điểm của huyện đến nay có 729 hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, có 541 trường hợp bị thiệt hại. Hiện Công ty Bảo hiểm Bảo Minh triển khai quy tắc hợp đồng mới, yêu cầu các hộ đã ký kết hợp đồng trước đây ký lại theo quy tắc mới, nếu hộ nào không đồng ý thì công ty hoàn trả tiền lại. Việc này nhiều hộ dân không đồng tình và gây bức xúc.

Ông Cao Chí Nguyện, Chủ tịch UBND xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, lo lắng: trên địa bàn xã, hiện phía công ty bảo hiểm vẫn chưa triển khai ký kết hợp đồng mới cho bà con. Người nuôi tôm rất trông chờ để thả nuôi vụ mới.

Một số hộ nuôi tôm ở Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, khẳng định, dù các điều khoản được điều chỉnh, các hộ nuôi vẫn tham gia, bởi theo bà con, nếu không được bảo hiểm, người dân cũng không dám nuôi, vì 4-5 vụ nuôi bị thất, giờ nguồn tiền đã cạn.


Related news

nong-dan-gap-kho-trong-vu-lua-he-thu Nông Dân Gặp Khó Trong… nuoi-tom-cong-nghiep-kho-on-dinh-voi-dich-benh-1 Nuôi Tôm Công Nghiệp Khó…