Tin thủy sản Bảo hiểm tôm nuôi

Bảo hiểm tôm nuôi

Author TẤN THÁI, publish date Tuesday. June 14th, 2016

Tôm và người nuôi đều… đuối

Ông Nguyễn Văn Thương, ngụ xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, lắc đầu: “Mấy vụ rồi tôi thả tôm giống đều chết hết nên trắng tay. Tiền nợ con giống và thức ăn đã lên tới vài trăm triệu đồng nên không còn ai dám hỗ trợ đầu tư (bán thiếu), trong khi “nội lực” đã kiệt sức nên không nuôi tiếp được”. Ông Thương cho biết, cách đây 3 năm, ông có tham gia bảo hiểm tôm nuôi, nhưng sau đó chính sách này tạm ngưng nên rất thất vọng, bởi nếu thiệt hại thì không có ai chia sẻ rủi ro. Nhiều người nuôi tôm tại ĐBSCL cũng có tâm trạng tương tự.

Trước đây, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định số 315 (ngày 1-3-2011) về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Đối tượng được tham gia bảo hiểm thủy sản là cá tra, cá basa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Khu vực thực hiện thí điểm là Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Nhằm cụ thể hóa Quyết định 315, Bộ Tài chính có ban hành quy định quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, tỷ lệ bồi thường cao nhất đối với tôm thẻ từ 55 - 59 ngày tuổi được bồi thường 64%, từ 50 - 54 ngày tuổi (bồi thường 55%), còn 60 - 64 ngày tuổi là 54%... Nhiều nông dân cho rằng mức bồi thường trên chưa hợp lý, bị lợi dụng, như trường hợp tôm thẻ, giai đoạn từ 55 - 59 ngày tuổi được bồi thường đến 64% và nếu xảy ra dịch bệnh thì người nuôi đã thu hoạch được một phần, cộng với tiền được bảo hiểm bồi thường thì dân không lỗ. Do đó, không ít người nuôi tôm báo “khống” với đơn vị bảo hiểm có xảy ra dịch bệnh để được bồi thường.

Sau đó, Bộ Tài chính sửa đổi tỷ lệ bồi thường cao nhất đối với tôm thẻ từ 47 - 49 ngày tuổi (bồi thường 38%), từ 53 - 58 ngày tuổi được bồi thường lần lượt 20% - 25%, còn từ 59 ngày tuổi trở lên không được bồi thường... Việc sửa đổi quy tắc bảo hiểm lần này hợp lý với tình hình thực tế hơn.

Chia sẻ rủi ro

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, qua tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ đã có chủ trương tiếp tục thực hiện và xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm với cây lúa và chăn nuôi ở một số khu vực khác. Riêng trong lĩnh vực thủy sản cần làm rõ những điều kiện, yêu cầu cần thiết nhằm phù hợp trong thời buổi hội nhập. Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh đánh giá về việc thực hiện bảo hiểm trong thời gian qua để bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua thực tế tại địa phương rất cần chính sách tiếp tục bảo hiểm tôm nuôi cho nông dân. Bảo hiểm trên thủy sản có khó hơn đối tượng khác như cây lúa. Tuy nhiên, vẫn có cách làm được. Vấn đề là cần làm chặt chẽ hơn”. Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Oanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nêu quan điểm: “Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất thực hiện bảo hiểm nuôi trồng thủy sản. Vừa rồi, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết rất nhiều do bị ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh. Do đó, cần tiếp tục có chính sách bảo hiểm nhằm chia sẻ rủi ro với nông dân để giúp họ khôi phục sản xuất”.


Related news

chua-co-quy-dinh-gioi-han-ham-luong-phenol-trong-ca Chưa có quy định giới… nuoi-ca-tra-theo-cong-nghe-dan-mach Nuôi cá tra theo công…