Mô hình kinh tế Bảo tồn tôm hùm và ốc vú nàng

Bảo tồn tôm hùm và ốc vú nàng

Publish date Saturday. May 16th, 2015

Theo thông tin từ Đội tuần tra bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngoài 43 người khai thác tôm hùm chuyên nghiệp tuân thủ các quy định về đánh bắt của ngành chức năng thì việc các ngư dân ở nhiều địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định gần đây đã đổ xô về vùng biển Cù Lao Chàm để khai thác, đánh bắt với nhiều hình thức lặn, soi, đánh lưới, thậm chí dùng hóa chất để khai thác kể cả trong “mùa cấm”, khiến nguồn lợi này đang suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh tôm hùm, ốc vú nàng cũng là đối tượng săn lùng theo kiểu tận diệt. ThS. Lê Ngọc Thảo, chủ nhiệm đề tài “Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, hiện trạng khai thác và xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi tôm hùm, ốc vú nàng tại Cù lao Chàm” cho hay, mỗi năm, vùng biển Cù Lao Chàm bị khai thác khoảng 14.901kg tôm hùm các loài, trong đó ngư dân khai thác được 11.457kg/năm (77%), phần còn lại do ngư dân từ các địa phương khác khai thác 3.443kg/năm (23%).

Cũng theo ThS. Lê Ngọc Thảo, trước vấn nạn khai thác tận diệt, công tác quản lý về khai thác, đánh bắt tại Cù Lao Chàm cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Dù Thông tư số 62/TT-BNN ngày 20.5.2008 của Bộ Nông nghiệp về quản lý khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy định cấm khai thác tôm hùm trong mùa sinh sản (từ 1.4 đến 31.7), nhưng việc khai thác vẫn diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền do đây là mùa cao điểm khách du lịch tới Cù Lao Chàm.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng khai thác, đặc điểm sinh thái loài, giải quyết mâu thuẫn lợi ích cộng đồng với công tác quản lý, kiểm soát, dự báo sản lượng khai thác hằng năm… nhóm các nhà nghiên cứu Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã xây dựng mô hình bảo tồn tại vị (nghĩa là khoanh vùng, bảo vệ). Trong số 8 đảo, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn một đảo quan trọng, khoanh vùng, xây dựng đảo này trở thành một ngân hàng lưu trữ, tạo nơi nuôi giữ nguồn gen.

Cùng với đó, công tác tuần tra, xử lý đối tượng vi phạm cần được siết chặt hơn nữa. Hiện, chỉ mới có quy định nghiêm cấm về mặt thời gian đối với hai đối tượng ốc vú nàng và tôm hùm, để hoạt động bảo tồn đem lại hiệu quả cao, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần quy định nghiêm ngặt về mặt kích thước khai thác đối với cả 6 loài tôm hùm hiện có ở Cù Lao Chàm. Song song với đó, giải pháp mang tính tổng thể là nuôi cấy san hô, bảo vệ rong biển, tảo biển vùng biển Cù Lao Chàm, tạo nơi trú ẩn, sinh sản cho động vật biển mùa sinh sản và ấu trùng sinh sôi, nảy nở, phát triển.

Bên cạnh kỹ thuật bảo tồn, áp dụng nghiêm ngặt những quy định nhà nước, theo ThS. Lê Ngọc Thảo, chỉ có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng thì bài toán bảo tồn mới đem lại hiệu quả như mong đợi. Theo đó, cộng đồng sẽ được giao quyền tự quản, những tổ khai thác cộng đồng được thành lập trên cơ sở, quy định, có quy chế hoạt động, hằng ngày mỗi tổ trưởng sẽ phát cho các tổ viên ghi nhật ký khai thác.

Ngoài ra, Ban quản lý Bảo tồn biển đề xuất xã đảo Tân Hiệp và TP.Hội An giao hẳn một đảo ở phía nam cù lao là Bãi Hương để ngư dân tự bảo vệ, khai thác dưới sự giám sát của ngành chức năng. Khi ngư dân thấy được quyền lợi của mình, tự họ sẽ thấy được trách nhiệm và sẽ chung tay bảo vệ nguồn lợi khỏi nguy cơ tận diệt.


Related news

quang-ngai-duoc-ho-tro-gan-15-ty-dong-de-giu-dat-lua Quảng Ngãi được hỗ trợ… viet-nam-gioi-thieu-mot-so-mat-hang-nong-san-tai-indonesia Việt Nam giới thiệu một…