Tin nông nghiệp Bao trái giúp giảm thất thoát sau thu hoạch

Bao trái giúp giảm thất thoát sau thu hoạch

Author Phương Duy, publish date Thursday. November 28th, 2019

Bao trái trước thu hoạch bắt đầu phát triển mạnh với việc sử dụng các bao vật liệu có sẵn trong nước và nhập khẩu. Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy việc bao trái có hiệu quả tốt trong việc hạn chế được tổn thương cho vỏ trái, giảm tỷ lệ bệnh, tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế nám nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, trái được an toàn.

Bao trái xoài đầu tiên xuất hiện tại vùng xoài Cao Lãnh - Đồng Tháp, nhờ hiệu quả cao nên việc bao trái được người dân các tỉnh thành khác áp dụng. Hiện nay trên thị trường có các loại bao trước thu hoạch cho cây ăn trái: bao PE (polyethylen), bao vải không dệt (polypropylen spunbonded non-woven fabric), bao giấy Đài Loan (lớp giấy màu vàng ở ngoài và lớp giấy đen bên trong), bao vi lỗ BOPP (biaxially oriented polypropylen film)…

Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu cây ăn trái miền Nam, tùy thuộc vào đặc tính giống và loại vật liệu bao trái, thường áp dụng bao trái khi trái vào giai đoạn phát triển ổn định, qua giai đoạn rụng trái sinh lý và tỉa trái, có trường hợp phải áp dụng mở bao giai đoạn trước khi thu hoạch để tăng chất lượng màu sắc vỏ trái. Trên xoài cát chu bao trái lúc 35 ngày sau khi đậu trái bằng bao xuyên thấu ánh sáng, có đục lỗ nhỏ (100 μm - bao vi lỗ) làm tăng độ sáng màu vỏ tạo sự bóng đẹp và không thay đổi phẩm chất của trái khi thu hoạch. Ngoài ra có thể bao giấy Đài Loan ở giai đoạn 42 - 45 ngày sau khi đậu trái.

Thực hiện đúng kỹ thuật bao trái cho năng suất cao, trái có màu sắc đẹp mắt, giảm tổn thất do sâu hại, nấm bệnh tấn công làm hư trái và làm xấu vỏ bên ngoài. Thời gian bao trái tùy thuộc vào giống, loại bao, thời tiết và sau khi tỉa trái xong. Theo kinh nghiệm nông dân Đồng Tháp, thời gian bao trái tốt nhất là lúc trái đạt 35 - 45 ngày sau đậu trái. Ngoài việc tỉa trái, cần cắt tỉa những dẻ hoa còn sót không đậu trái (chà), cành tăm, lá không cần thiết. Phun thuốc trừ sâu bệnh để có thể diệt trừ hết mầm bệnh, trứng cũng như sâu non có trên mặt trái trước khi bao, ưu tiên chọn thuốc có nguồn gốc sinh học. Chú ý sử dụng bao có kích thước phù hợp với từng nhóm xoài.

Sau khi chuẩn bị xong các bước thì tiến hành bao trái. Có thể bao bằng tay hoặc sử dụng dụng cụ bao trái, dụng cụ này có ưu thế bao trái cành xa, trên cao mà người bao khó tiếp cận. Trước khi bao, nên quan sát kỹ trái có đạt yêu cầu không (không có vết sâu, bệnh, xì mủ, héo vàng….), sau đó dùng túi bao đã chọn lồng vào trái theo chiều từ dưới lên và kéo dây rút trên đầu miệng túi lại, điều chỉnh phù hợp theo hướng cành, không vướng cành xung quanh.

Túi bao trái làm bằng vải không dệt, có các lỗ thoát khí có tác dụng làm thoát nước trong trường hợp mưa, hoặc hơi nước do trái thoát ra trong quá trình sinh trưởng, nhất là khi nhiệt độ tăng cao. Việc bao trái, nhất là mùa nghịch (dễ bị sâu bệnh tấn công gây thất thoát cao) cho kết quả rất tốt, nâng cao chất lượng trái xoài sau thu hoạch. Đồng thời, khi bao trái giảm đáng kể số lần phun thuốc trừ sâu bệnh (giảm được ít nhất từ 6 - 8 lần phun thuốc trừ sâu, bệnh/vụ), giảm chi phí phun xịt và tiền thuốc. Tỷ lệ trái đạt chất lượng tăng lên (30 - 50%), bệnh hại trên trái sau thu hoạch giảm từ 20 - 30% so với trái sản xuất trong điều kiện bình thường, khả năng bảo quản sau thu hoạch tốt hơn, hạn chế hiện tượng thối trái sau thu hoạch trong quá trình vận chuyển, bán hàng.


Related news

tac-dong-cua-lua-den-n2o-va-nh3-trong-ao-nuoi-tom-ca Tác động của lúa đến… nong-dan-che-tao-may-gieo-hat Nông dân chế tạo máy…