Mô hình kinh tế Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Kèo Nèo

Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Kèo Nèo

Publish date Tuesday. November 11th, 2014

Kèo nèo là loại rau ăn hàng ngày của người dân Nam bộ, từng được xem là thức ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của miền Tây.

Nhằm giúp người dân ấp Tân Phước, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, cách đây 3 năm, Hội Nông dân xã Tân Bình và Trạm BVTV TP.Tây Ninh đã chuyển một phần diện tích đất canh tác sang trồng kèo nèo, một loại thực vật phù hợp với đất sình lầy, bùn ẩm, có sức sống mạnh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thị trường tiêu thụ kèo nèo đang rất bấp bênh...

Kèo nèo được biết đến là loại cây trồng phổ biến tại ĐBSCL. Hình dáng giống như cây lục bình, nhưng khác ở điểm: Lục bình thì nổi trên mặt nước, còn kèo nèo, gốc rễ bám dưới bùn đất, cành ngọn vươn lên mặt nước.

Về mùa nước nổi, lục bình theo gió nước trôi dạt bốn phương, còn kèo nèo bám đất, nước dâng đến đâu vươn ngọn đến đấy. Kèo nèo là loại rau ăn hàng ngày của người dân Nam bộ, từng được xem là thức ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của miền Tây.

Tại ấp Tân Phước, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh, trước đây phần lớn người dân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Sau nhiều năm, đất đai bạc màu, mùa hạn thì đất khô cằn, mùa mưa thì lại ngập úng, do mặt đất trồng lúa thấp trũng hơn so bình thường. Cộng với lợi nhuận từ trồng lúa khá thấp, công sức lại bỏ ra nhiều, chi phí cũng cao.

Năm 2011, Hội Nông dân xã Tân Bình phối hợp Trạm BVTV TP.Tây Ninh khiển khai mô hình trồng kèo nèo trên vùng đất lúa tại ấp Tân Phước. Đồng thời hình thành Tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo tại đây để người dân gắn kết chặt chẽ với nhau trong quá trình canh tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện tại, có 20 hộ dân tham gia vào tổ liên kết.

Kèo nèo từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 1 tháng. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài 20 ngày. Như vậy, người dân mất gần 2 tháng để có lợi nhuận từ cây kèo nèo. Với 1 công đất trồng kèo nèo, thu hoạch 5 tấn rau, với giá bán 2.800đ/kg, trừ chi phí đầu tư, người dân lãi từ 3- 4 triệu đồng. Do thời gian trồng và thu hoạch kèo nèo ngắn, nên một năm, có thể trồng 4 đợt kèo nèo.

So với trồng lúa, người trồng kèo nèo lãi gấp 3-5 lần tính trên cùng một diện tích đất canh tác và thời gian là 1 năm. Kèo nèo từng một thời thu hút đông đảo người dân xã Tân Bình tham gia trồng. Cao điểm có lúc lên đến cả trăm hộ dân trồng, diện tích khoảng 50 ha. Mô hình trồng kèo nèo được đánh giá là có hiệu quả kinh tế, được xem là cây trồng giảm nghèo, giúp người dân có thu nhập khá, ngay cả những hộ dân ít đất canh tác.

Tuy nhiên, đây là câu chuyện của những năm về trước. Hiện tại, người trồng kèo nèo ở ấp Tân Phước đang đối mặt với thị trường tiêu thụ bấp bênh. Khi kèo nèo đến kì thu hoạch, lái buôn đến mua và áp giá gây bất lợi cho nhà nông.

Số lượng đặt mua thì ít, trong khi lượng kèo nèo trên đồng của bà con lại nhiều, cung vượt quá cầu, dẫn đến việc ép giá kèo nèo xuống thấp. Theo người dân ấp Tân Phước, nếu không bán cho lái buôn này, cũng khó mà bán cho lái buôn khác, vì giữa lái buôn với nhau có sự thông đồng làm ăn, họ bắt tay với nhau và tuân theo cái gọi “luật” buôn.

Anh Võ Hồng Hải, chủ nhiệm tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo ấp Tân Phước, xã Tân Bình, than vãn: “Rất khó khăn đầu ra, số lượng lái mua có chừng mực. Còn tồn đọng nhiều. Ví dụ 300 kg, thương lái chỉ mua 100 hoặc 150kg, số lượng còn lại để trên ruộng...”.

Trước khó khăn về thị trường tiêu thụ kèo nèo tại ấp Tân Phước và tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo, Hội Nông dân xã Tân Bình cũng có nhiều cố gắng tìm biện pháp tháo gỡ, khai thông bế tắc. Cụ thể là đặt vấn đề liên kết với siêu thị.

Tuy nhiên, nơi đây chưa phải là đầu mối tiêu thụ chính, vì số lượng kèo nèo bán ra mỗi ngày của siêu thị khá ít. Bên cạnh đó, để đưa kèo nèo vào siêu thị phải trải qua nhiều khâu kiểm tra chất lượng an toàn rau sạch, phần nào cũng khiến Hội Nông dân xã Tân Bình và những hộ dân trồng kèo nèo ấp Tân Phước không mấy mặn mà.

Riêng các chợ trung tâm tại các huyện, số lượng tiêu thụ kèo nèo chưa cao, nên vẫn không phải là kênh lựa chọn lý tưởng. Với một thị trường dân cư lớn, là trung tâm đầu mối tiêu thụ hàng nông sản như TP.HCM, chính là đích nhắm đến của những người trồng kèo nèo tại Tây Ninh.

Sau khi ra mắt tổ liên kết, Hội Nông dân kết hợp các ban ngành xuống làm việc với chợ đầu mối Hóc Môn. Họ cũng muốn mua kèo nèo nhưng cái khó là họ cũng đang làm ăn với các bạn hàng khác, khó tách ra để mua kèo nèo của Tây Ninh. Qua 3 lần làm việc, không thành công, bây giờ Hội Nông dân mong các cấp, ngành tỉnh quan tâm, để hỗ trợ đầu ra ổn định cho người dân sản xuất kèo nèo.

Trước tình hình thị trường tiêu thụ kèo nèo đang ngày càng khó khăn, một số người dân trồng kèo nèo tại ấp Tân Phước lần lượt bỏ, chuyển sang trồng hoa màu khác. Số còn lại, tuy không bỏ hẳn kèo nèo, nhưng diện tích trồng lại thu hẹp dần. Kèo nèo đang dần mất vị thế là cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo như thời gian trước đây.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134390/kinh-te/bap-benh-thi-truong-tieu-thu-keo-neo.html


Related news

ruoc-bien-ban-nhuom-pham-mau Ruốc Biển Bẩn Nhuộm Phẩm… thu-hut-cac-doanh-nghiep-tham-gia-tai-co-cau-nganh-lua-gao Thu Hút Các Doanh Nghiệp…