Mô hình kinh tế Bấp Bênh Với Nghề Chăn Nuôi Xuất Hiện Nhiều Mô Hình Chăn Nuôi Phù Hợp

Bấp Bênh Với Nghề Chăn Nuôi Xuất Hiện Nhiều Mô Hình Chăn Nuôi Phù Hợp

Publish date Monday. June 2nd, 2014

Để vượt qua những rủi ro vì giá thức ăn biến động, dịch bệnh bùng phát…, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi heo, gà, bò rất hiệu quả. Qua thực tế, việc chăn nuôi theo những mô hình này rất phù hợp với các địa phương, vừa an toàn về dịch bệnh lại ít rủi ro.

Chăn nuôi theo những mô hình an toàn sinh học, đệm lót sinh học vừa an toàn về dịch bệnh lại ít rủi ro nên phát triển nhanh. Trong ảnh: Một mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại xã Sơn Bình (huyện Châu Đức ) cho hiệu quả kinh tế quả cao.

Thay đổi tập quán chăn nuôi

Theo Sở NN-PTNT, những mô hình như nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (ATSH), nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học, nuôi bò vỗ béo… phát triển trong khoảng 2 năm trở lại đây không chỉ tăng nhanh đàn gia cầm, gia súc mà đã góp phần cải thiện được kinh tế gia đình tại một số địa phương. Và mô hình này còn tạo dựng được kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi cho các hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo.

Nuôi gà thả vườn là nghề có từ lâu đời của nhà nông. Nhưng do lượng đàn ít nên các hộ chăn nuôi thường không triển khai phòng dịch, bệnh cho đàn gà nên gây hao hụt lớn cho người chăn nuôi. Từ thực tế đó, trong năm 2013, trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Châu Đức đã kết hợp với Phòng kỹ thuật nông nghiệp tiến hành đầu tư mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình. Chia sẻ về mô hình chăn nuôi này, ông Cao Xuân Cường (xã Sơn Bình) cho biết: Việc nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH cho hiệu quả cao. Sản phẩm gà thả vườn được người tiêu dùng ưa thích và thường có giá cao hơn gà nuôi công nghiệp. Còn mô hình chăn nuôi nuôi bò theo quy mô hộ gia đình tại xã Long Phước (TP. Bà Rịa) được Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Mô hình này là bước đột phá trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của một xã thuần nông. Bà Mai Thị Hương (xã Long Phước) người có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay cho biết: So với chăn nuôi các loài vật khác thì nuôi bò không vất vả bằng lại cho thu nhập cao. Với đàn bò 20 con như hiện nay, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng từ tiền bán bê con và bò thịt. Còn theo anh Lê Văn Nam, một người nuôi bò khác tại Long Phước, chăn nuôi bò tại đây thực sự đem lại hiệu quả kinh tế và đang trở thành ngành sản xuất của người nông dân. Ngoài việc trồng lúa, trồng màu, nhiều gia đình đã đầu tư chuồng trại để nuôi bò sinh sản, bò thịt. Theo thống kê của Hội Nông dân xã, đến thời điểm này xã Long Phước có đàn bò hơn 2.100 con được các hộ chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng với nguồn thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp và chăn thả khi nông nhàn. Ước tính, mỗi năm xã cung cấp cho thị trường hàng trăm con bê và bò thịt trị giá 25-30 triệu đồng/con. Từ việc chăn nuôi bò thịt và sinh sản, nhiều hộ trong xã đã có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. “Mô hình nuôi bò này không chỉ giúp người nông dân Long Phước tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn giúp người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, chuyển sang chăn nuôi tập trung theo hộ gia đình”- ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định.

Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học phù hợp với sự phát triển chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Một mô hình nuôi heo trên nền lót đệm sinh học tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).

Kiểm soát được dịch bệnh

Những mô hình chăn nuôi mà các địa phương đang phát triển không chỉ có kinh phí đầu tư phù hợp cho những hộ gia đình ít vốn, ít có điều kiện chăn nuôi nhưng vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Đánh giá mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH, chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học trên địa bàn.

Phòng nông nghiệp huyện Châu Đức cho rằng, những mô hình này bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, ngay cả khi thời điểm cúm gia cầm bùng phát (đầu năm 2014) nhưng chăn nuôi gà thả vườn ATSH trên địa bàn vẫn đem lại hiệu quả cao về kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Nhuần, một hộ chăn nuôi đã có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt và sinh sản với số lượng hơn 100 con heo thịt/năm tại huyện Châu Đức, cho biết: Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bình Ba, huyện Châu Đức đầu năm 2012 chị mạnh dạn chuyển đổi chuồng trại từ cách nuôi truyền thống sang sử dụng đệm lót sinh học.

Qua 1 năm triển khai, mô hình này đã giúp gia đình chị giảm công vệ sinh chuồng trại hằng ngày; giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo. Heo không bị thối bàn chân hoặc què, lông da bóng mượt và sạch, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi…). Ngoài ra, việc chăn nuôi giảm được 60% công lao động ở khâu dọn vệ sinh, tắm heo và rửa chuồng.

Là một trong nhiều hộ nuôi gà với số lượng lớn nên ngay từ khi được giới thiệu mô hình này 2 năm về trước, ông Đỗ Văn Tam (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã mạnh dạn cải tạo chuồng trại để nuôi đàn gà hơn 10.000 con. Theo ông Tam, trước đây nuôi gà theo cách truyền thống luôn bị ô nhiễm, nhà ở gần khu chăn nuôi lúc nào cũng phải chịu cảnh ruồi, muỗi bay đặc quánh, hàng xóm thì không chịu nổi.

Bây giờ khu chuồng chăn nuôi gà của gia đình ông không còn mùi hôi, không ruồi nhặng, tỷ lệ gà hao hụt rất ít, chỉ khoảng 5-10 con/1.000 con gà. Đánh giá về mô hình này, ông Vũ Ngọc Hoán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba khẳng định: “Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học phù hợp với sự phát triển chăn nuôi trong điều kiện đông dân cư.

Các hộ dân chăn nuôi đang chăn nuôi theo hình thức truyền thống đang có nguyện vọng được hỗ trợ phần nào về chi phí chuyển đổi từ mô hình chuồng trại truyền thống sang đệm lót sinh học và hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng mô hình này trong chăn nuôi theo quy mô lớn.

Còn theo đánh giá của Chi cục Thú y, chăn nuôi theo hướng gia công hay phát triển những mô hình phù hợp tại các địa phương là một trong những định hướng của ngành chăn nuôi của tỉnh.

Có thể nói, với những mô hình chăn nuôi hiệu quả đã áp dụng trên địa bàn tỉnh là một hướng đi an toàn và đúng hướng khi dịch bệnh và giá cả thức ăn luôn ảm ảnh người chăn nuôi.

Vì vậy, việc đâu tư đúng phương pháp kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra, áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo những mô hình thân thiện với môi trường, thì chăn nuôi sẽ thực sự là ngành “hái ra tiền” của người nông dân.


Related news

hieu-qua-tu-du-an-ho-tro-nuoi-de-o-nam-cuong Hiệu Quả Từ Dự Án… bo-lai-ba-mau-dot-pha-moi-ve-con-giong-trong-nuoi-bo-thit-o-hung-yen Bò Lai Ba Máu Đột…