Mô hình kinh tế Bất Bình Cũng Kệ

Bất Bình Cũng Kệ

Publish date Thursday. March 8th, 2012

Thuê lại chính đất của mình 
Cả chục năm nay, tại xã Tân Phú Trung và Tân Thông Hội huyện Củ Chi (TP.HCM) đã quy hoạch KCN Tân Phú Trung ngay trên đất người dân trồng lúa, hoa màu và cả nhà xưởng với diện tích lên tới 552 ha. Dự án được UBND TP.HCM ký ban hành quyết định thu hồi đất (552,3 ha) ngày 19/1/2004 và tạm giao toàn bộ diện tích đất này cho Quỹ Đầu tư và Phát triển đô thị TP chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN. Ngày 16/12/2004, UBND TP ký Quyết định 6332 giao việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung cho Cty Cổ phần Song Tân (nay được đổi tên là Cty Cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc - SCD).

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay ngoài khu vực đã có nhiều DN đến thuê hoạt động thì vẫn còn hàng chục ngàn mét vuông đất đang bỏ hoang và ngập nước và mọc um tùm. Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông L, giám đốc một DN địa ốc ở Củ Chi, cho biết: Hàng chục ngàn mét vuông đất này trước đây người dân trồng lúa và hoa màu. Đáng nói, nhiều DN trước đây thực hiện chủ trương di dời khỏi khu dân cư đã chuyển về đây thì lại tiếp tục bị… thu hồi đất để thực hiện dự án. Chính vì vậy, theo tìm hiểu của NNVN đã có 70 DN làm đơn khiếu nại việc thu hồi đất của họ.

Theo đơn khiếu nại, hưởng ứng chủ trương của UBND TP.HCM về việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra ngoại thành, từ năm 1995 - 2003, nhiều DN đã tiến hành mua đất ở Tân Phú Trung (trước khi TP có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng KCN tại đây). Trong số này, có 48 DN đã xây dựng nhà xưởng và hoạt động, một số hiện đang tiến hành san lấp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, sau đó các DN liên tục nhận được thông báo của SCD với nhiều nội dung rất bất hợp lý.

Cụ thể, điều kiện để các DN có thể ở lại trong phạm vi KCN như sau: DN đã có đất trong khuôn viên KCN mà chưa xây dựng nhà xưởng sản xuất thì phải nhận tiền đền bù 65.000đ/m2 và sau đó muốn vào KCN thì phải…thuê lại đất trong vòng 50 năm với giá 47 USD/m2. Trong khi đó, nhiều DN đã phải tự thương lượng mua đất tại đây từ trước với giá từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/m2 để xây dựng nhà xưởng. Với các DN đã có nhà xưởng sản xuất, SCD đưa ra phương án là phải đóng 3,5 tỷ đồng/ha (chưa bao gồm thuế VAT) gọi là thanh toán chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho KCN.

Bất hợp lý ở chỗ, mặc dù nhiều DN đã có các văn bản pháp lý để tiến hành xây dựng nhà xưởng từ trước khi có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng KCN Tân Phú Trung nhưng vẫn phải chịu mức giá chi phí đầu tư hạ tầng do SCD đơn phương áp đặt. Chẳng hạn như DN Hải Thành có 4.437m2 đã có quyết định giao đất của UBND TP.HCM từ năm 2000 và cũng trong năm 2000 đã có văn bản chấp thuận địa điểm của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nêu rõ “Việc dự kiến đầu tư xây dựng công trình của DN Hải Thành là phù hợp”. Sau đó DN Hải Thành xây dựng nhà xưởng thì bị “vướng” quy hoạch KCN. Còn Cty liên doanh Quán Hảo - Quán Quân thì đã được UBND TP.HCM ký quyết định giao 10.000m2 đất từ năm 1997, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà xưởng thì bị ách tắc từ khi có chủ trương quy hoạch KCN đến nay… 
Ông Dương Chí Cần, DN Thành Đạt, cho biết: Tôi bỏ tiền túi mua 6 ha đất từ năm 2000 với giá 200.000 đồng/m2 và được cơ quan chức năng cho xây dựng nhà xưởng trên diện tích 9.000m2 vào năm 2000, phần đất còn lại tôi dự định sau này sẽ mở rộng sản xuất nhưng từ đó đến nay tôi xin phép hợp thức hóa không được. Trong khi đó, SCD lại yêu cầu đóng tiền… xây dựng hạ tầng. Còn phần đất nông nghiệp chưa kịp xây dựng thì họ đòi bồi thường với giá 65.000 đồng/m2. Tôi không hiểu giá này căn cứ trên cơ sở nào? 
Theo tìm hiểu của NNVN, không chỉ có nhiều DN phản ứng về việc “dựa hơi” UBND TP.HCM mà SCD làm liều mà ngay cả người dân cũng khốn đốn chẳng kém. Một nông dân cho biết, ở đây trước đây bà con trồng lúa và hoa màu nhưng sau đó bị quy hoạch nên bị thu hồi đất. Đáng nói ở chỗ, trước khi có quyết định quy hoạch KCN thì nhiều DN đã về đây mua lại đất của người dân để làm nhà xưởng với giá 200.000 - 300.000/m2 (tuỳ địa điểm). Thế nhưng khi bị thu hồi đất, bà con chỉ được bồi thường mức giá 65.000đ/m2 khiến cho rất nhiều người bức xúc đi khiếu nại. Thời điểm này nhiều người dân và DN khiếu nại lên UBND huyện Củ Chi với nội dung “không chấp nhận đơn giá bồi thường quá lỗi thời, không thi hành những quyết định có tính áp đặt do UBND huyện Củ Chi ban hành". Tuy nhiên, theo người dân cho biết, vì đây là “chủ trương của TP nên việc khiếu nại không được chấp thuận”. 
Không có tiền cũng làm KCN 
Khác với chuyện ở KCN Tân Phú Trung (Củ Chi) thì từ cả chục năm nay, hàng chục ngàn mét vuông đất ở khu vực xã Hoá An, TP. Biên Hoà đang bỏ mặc cho cỏ mọc một cách lãng phí. Theo người dân nơi đây cho biết, trước đây khu đất này được quy hoạch. Tuy nhiên có lẽ do quy hoạch lỗi thời vì KCN ngay khu dân cư nên hiện đất đang bỏ hoang vô tội vạ. Hàng chục ngàn mét vuông đất mặt tiền đường QL 1K được một số người trồng cây kiểng và ga-ra đến thuê lại kinh doanh. Còn lại khu đất này chỉ cỏ và… nước.

Một người dân ở Hoá An cho biết: Khu đất này ngày trước người dân trồng lúa tốt lắm, tuy nhiên do “vướng” quy hoạch nên đất bị thu hồi và bỏ hoang đến nay. Cũng như bao dự án khác, khi đất bị thu hồi thì người dân cũng rất bức xúc chuyện bồi thường không thoả đáng. Nhưng cũng vì lý do “chủ trương của tỉnh” nên việc khiếu nại không đi đến đâu. Hiện nay, nhiều người dân muốn vào khu đất hoang này để trồng cây thì bị cấm. Do là đất hoang nên từ nhiều năm nay đã biến nơi đây thành chỗ đổ rác, phế liệu. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây đã thành bãi rác khổng lồ vô cùng ô nhiễm cho người dân sống xung quanh

Trong quá trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với lãnh đạo một số tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân cũng như phương hướng khắc phục KCN bỏ hoang; tiếc rằng lời đề nghị ấy bị từ chối bởi rất nhiều lý do. Và như vậy, khi chưa có câu trả lời thỏa đáng, nỗi bất bình của người dân về những KCN bỏ hoang sẽ còn phải kéo dài.

Chúng tôi về huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi đây nổi tiếng với KCN Bàu Xéo rộng gần 500 ha được xem là giúp cho bộ mặt huyện này thay đổi do kêu gọi được nhiều DN về đầu tư giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài huyện. KCN Bàu Xéo được thành lập năm 2006, trước đây là rừng cao su ngút ngàn chạy dọc trên QL1A. Tại KCN này chúng tôi ghi nhận còn tới cả chục ngàn mét vuông đang bỏ hoang đã biến đây thành bãi rác khổng lồ. Hàng ngày, nhiều người đã đem rác, xà bần tới đổ vô tội vạ. Phía trong KCN này, do đất bỏ hoang quá nhiều nên hiện nay người dân đã vô tư vào đây trồng sắn cao ngang đầu người… 
Nhiều ý kiến cho rằng, đúng ra không nên quy hoạch KCN này quá lớn như vậy bởi hiện nay để đất bỏ hoang là quá lãng phí lại không phát huy được hiệu quả bởi hiện nay Đồng Nai huyện nào cũng có KCN cả rồi trong đó có huyện Nhơn Trạch đã có tới…10 KCN với tổng diện tích đất lên đến 3.600 ha và được mệnh danh là “vương quốc của…KCN”.

Một điều khá bi hài khác là trong quá trình đi tìm hiểu về KCN ở tỉnh Đồng Nai chúng tôi còn được nghe đến KCN An Phước (huyện Long Thành). KCN này được triển khai từ năm 2003 với diện tích đất khoảng 130 ha do…Cty Dệt TMDV Minh Hiệp (TP.HCM) làm chủ đầu tư. Khi hỏi về địa chỉ của KCN An Phước thì nhiều người cho biết đến nay vẫn chỉ là… quy hoạch và vẫn chưa… giải phóng xong mặt bằng do nhà đầu tư thiếu tiền.


Related news

dung-qua-non-nong-xk-gao Đừng Quá Nôn Nóng XK… hieu-qua-tu-mo-hinh-tuoi-nuoc-tiet-kiem Hiệu Quả Từ Mô Hình…