Mô hình kinh tế Bất ổn thanh long Bình Thuận

Bất ổn thanh long Bình Thuận

Publish date Tuesday. August 25th, 2015

Diện tích tăng, đầu ra khó

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện địa phương đang có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất nước với hơn 22.000ha, trong đó trên 17.000ha đang cho trái. Trong khi quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2015 được tỉnh phê duyệt chỉ 15.000ha. Thời gian qua, ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, người dân đã liên tục bỏ lúa để trồng thanh long dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều cảnh báo.

Ông Nguyễn Thanh Đạt, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết, từ giữa năm 2014 đến nay, dù đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhưng người dân địa phương vẫn mở rộng thêm gần 200ha thanh long các loại. Tương tự, ở huyện Hàm Thuận Nam cũng có thêm 350ha được trồng mới, nâng tổng diện tích thanh long toàn huyện đến thời điểm hiện tại lên trên 11.000ha.

Diện tích tăng kéo theo sản lượng thanh long mỗi năm của Bình Thuận đạt trên 500.000 tấn và khoảng 75% sản lượng trên được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. “Với sản lượng thanh long khổng lồ như thế, chúng tôi chỉ còn cách buôn bán theo kiểu tiểu ngạch (buôn bán tự do, không có bất kỳ hợp đồng nào ràng buộc giữa hai bên - PV) sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc mới có thể tiêu thụ hết được”, ông Lê Hải Nam, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận, chia sẻ.

Thế nhưng, theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung Quốc đã trồng thành công và đang mở rộng hơn 20.000ha trồng thanh long, nên sẽ hạn chế nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. “Trong tương lai, nếu sản lượng thanh long của Trung Quốc đủ đáp ứng nhu cầu nội địa và còn xuất khẩu thì chỉ cần một động thái như ngừng thu mua, hay đưa ra một yếu tố hàng rào kỹ thuật nào đó, chúng ta lập tức sẽ gặp khó khăn”, ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, cảnh báo.

Bên cạnh đó, thời gian qua tại Bình Thuận đã xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch nhưng thực chất “núp bóng” để móc nối với một số doanh nghiệp trong nước nhằm chi phối việc mua bán thanh long. “Khi đã có trong tay hệ thống thu mua của người Việt, thương nhân Trung Quốc sẽ dễ dàng thao túng giá thanh long tại Việt Nam, càng khiến người trồng thêm khó”, đại diện một doanh nghiệp thu mua thanh long ở Bình Thuận bật mí.

Giải pháp chung chung

Trước thực trạng tình hình sản xuất, xuất khẩu trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng như các tỉnh, thành trồng thanh long khác đang gặp khó khăn, mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị bàn cách phát triển thanh long bền vững trong thời gian tới. Các đại biểu đã thẳng thắn nhận định, việc tăng nhanh diện tích thanh long đang khiến việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu rất nan giải. Do vậy, cần phải chú trọng phát triển thị trường nội địa, không để tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào một thị trường nhất định.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho rằng, Bình Thuận cũng như các tỉnh thành trồng thanh long khác cần nhanh chóng rà soát quy hoạch trồng thanh long trên địa bàn, tránh phát triển tràn lan, thiếu định hướng. Đồng thời, chúng ta cần thực hiện tốt quy trình sản xuất thanh long an toàn theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; đa dạng hóa sản phẩm chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả cho sản phẩm…

Còn ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đề xuất: “Chúng ta cần nhanh chóng xây dựng ngay các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhập khẩu để làm công cụ pháp lý mạnh và hữu hiệu của Việt Nam trong việc hỗ trợ đàm phán, giải quyết các rào cản kỹ thuật khi trái thanh long xuất khẩu ra thị trường thế giới”.

Nửa tháng trở lại đây, giá thu mua thanh long xuất khẩu tại vườn ở Bình Thuận liên tục giảm mạnh. Loại trái đẹp dành cho xuất khẩu chỉ được mua với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, thanh long loại nhỏ còn 500 đồng/kg. Với giá bán như vậy, nông dân trồng thanh long đang lỗ nặng.


Related news

gia-chanh-giam-manh Giá chanh giảm mạnh san-luong-che-bup-tuoi-tang-dot-bien Sản lượng chè búp tươi…