Tin nông nghiệp Bắt tay cung ứng nhân lực sau đào tạo - Hội Nông dân, DN và nông dân đều lợi

Bắt tay cung ứng nhân lực sau đào tạo - Hội Nông dân, DN và nông dân đều lợi

Author Hoàng Anh Tuấn, publish date Sunday. August 21st, 2016

Chọn học nghề thay vì thi đại học

Được tuyển chọn vào khóa học lớp thú y K3C trong khi đã lập gia đình, chị Nguyễn Thị Sáu (33 tuổi, thôn Tân Lập, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn) rất vui: "Tôi thực sự hạnh phúc khi biết mình không chỉ được là học viên lớp thú y mà còn có ngay công việc sau khi học xong".

Cũng ở thôn Tân Lập, sau khi học xong THPT, em Lương Thị Vân Anh không thi đại học mà chọn nộp hồ sơ vào lớp thú y để tiếp nối nghề bố mẹ đang làm.

Trong ngày khai giảng, chị Trần Thị Oanh (thôn Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) có con thi được hơn 20 điểm, không đỗ Trường Đại học An ninh cũng đến trung tâm nộp hồ sơ cho con trai vào học.

Trường Trung cấp nghề Hội NDVN ký cam kết cung cấp toàn bộ học viên khóa học với Công ty cổ phần Hồ Toản.

TS Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) cho biết: Lớp Trung cấp nghề Thú y K3C là lớp đầu tiên phối hợp giữa Trường Trung cấp Nghề và Hội ND tỉnh Tuyên Quang mở tại khu vực phía Bắc cho cán bộ, hội viên, nông dân, con em hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Tổng số học viên tham gia khóa học là 80 người, chủ yếu là con em nông dân các xã gần khu chăn nuôi trâu bò để lấy sữa và chế biến thực phẩm của Công ty Hồ Toản tại xã An Tường, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều đề nghị Hội ND tỉnh Tuyên Quang cần có giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng của các lớp dạy nghề; chú trọng tới hoạt động phối hợp  các đơn vị chuyên môn trong tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ năng, tay nghề sản xuất cho hội viên, nông dân…

“Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy là những người có trình độ đại học và kinh nghiệm thực tiễn trong nghề chăn nuôi.

Do vậy, các học viên sẽ được truyền thụ đầy đủ những kiến thức chăn nuôi, thăm khám, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Nhà trường hứa sẽ thực hiện đúng cam kết cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo theo tiêu chuẩn của Công ty cổ phần Hồ Toản” - TS Nguyễn Văn Đại thông tin.

Ông Hồ Toản cũng cho biết, trong quá trình học tập, học viên sẽ thường xuyên được tham quan quy trình chăn nuôi của công ty.

Công ty sẽ cung cấp con giống yếu cho Trường để các học viên được thực hành giải phẫu một cách trực quan, sinh động nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN làm việc với Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang.

Tại lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều đã đến chúc mừng thầy cô và học viên.

Ông Lều Vũ Điều nhấn mạnh việc đào tạo nghề cho nông dân là một hoạt động luôn được T.Ư Hội NDVN quan tâm hàng đầu.

Do vậy, cơ sở vật chất tại các trung tâm đào tạo nghề luôn được ưu tiên đầu tư đầy đủ để công tác dạy và học được đảm bảo.

Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều cũng đánh giá cao việc mở lớp đào tạo nghề tại Tuyên Quang là rất cần thiết, phù hợp cho sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang, mảnh đất có thế mạnh nông nghiệp và nguồn lao động nông dân dôi dư.

Đây là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác tập huấn, dạy nghề

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều đã làm việc với Hội ND tỉnh Tuyên Quang.

Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang Trần Văn Chiến cho biết: Song hành với hoạt động dạy nghề của T.Ư Hội NDVN, trong 6 tháng đầu năm, Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 3 lớp dạy nghề cho hơn 100 hội viên nông dân.

Hội ND các huyện, thành phố cũng phối hợp tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 455 hội viên nông dân.

Trong 6 tháng cuối năm, Hội ND tỉnh tiếp tục tổ chức 7 lớp dạy nghề cho gần 300 học viên nông dân; phối hợp các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho hội viên, nông dân.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều trao đổi với các học viên tại lễ khai giảng.

Ông Lê Văn Hán - Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang hiện có lượng lớn thanh niên bỏ ra các tỉnh ngoài làm lao động phổ thông.

Do họ không có nghề nên chỉ sau 2 đến 3 năm sử dụng, các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, họ lại lặp lại quy trình đi tìm việc từ đầu.

Nhiều người không xin được việc dễ dàng sa ngã vào vòng xoáy tệ nạn xã hội.

Do vậy, UBND tỉnh Tuyên Quang rất coi trọng việc đào tạo nghề cho nông dân.

Ngoài việc mở rộng mạng lưới đào tạo nghề trong tỉnh, tỉnh rất mong muốn được phối hợp các trung tâm đào tạo nghề của T.Ư Hội NDVN.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều biểu dương, ghi nhận nỗ lực của Hội ND tỉnh Tuyên Quang những năm qua trong lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân, thực tiễn của chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề ở nông thôn, Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều đề nghị Hội ND tỉnh Tuyên Quang cần có giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng của các lớp dạy nghề; chú trọng tới hoạt động phối hợp  các đơn vị chuyên môn trong tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ năng, tay nghề sản xuất cho hội viên, nông dân…


Related news

chuoi-tay-tren-dat-doi-can-de-trong-ma-lai-cao Chuối tây trên đất đồi… trong-cay-an-trai-an-la-tren-bai-rac Trồng cây ăn trái, ăn…