Bệnh dịch tả heo và giải pháp phòng ngừa
Dịch tả heo là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Pestivirut gây ra, bệnh xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi nhưng nặng nhất là heo con theo mẹ và heo sau cai sữa. Bệnh tập trung nhiều vào thời điểm chuyển mùa, tỷ lệ bệnh và chết rất cao. Vì vậy, bà con chăn nuôi cần nhận biết chính xác và đầy đủ về bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
1. Cách sinh bệnh:
- Vi rút xâm nhập chủ yếu qua: đường tiêu hóa, niêm mạc, vết thương ở da và một phần qua hệ thống hô hấp.
- Bệnh lây trực tiếp từ con bệnh sang con khỏe, qua thức ăn, nước uống; gián tiếp qua các chất bài tiết, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do các động vật khác mang mầm bệnh truyền lây.
2. Triệu chứng bệnh:
Tùy thuộc vào độc lực, số lượng vi rút và sức đề kháng của con vật mà thời gian nung bệnh có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày và bệnh có thể xuất hiện ở một trong 3 thể:
- Thể quá cấp tính (còn gọi là bệnh dịch tả heo trắng): Bệnh xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng ban đầu, heo khỏe mạnh tự nhiên ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41 - 420C, phần da mỏng đỏ ửng, con vật dẫy dụa rồi chết nhanh trong vòng 1 - 2 ngày, tỷ lệ chết có thể 100%.
- Thể cấp tính:
+ Ủ rũ, kém ăn rồi bỏ ăn, nằm chồng lên nhau sốt cao 41- 420C kéo dài đến lúc gần chết.
+ Mắt viêm đỏ có ghèn, chảy nước mũi, miệng có loét phủ nhựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; heo thường bị ói mửa, thở khó, nhịp thở rối loạn, đuôi cụp, lưng cong, đặc biệt, heo ngồi như chó ngồi và ngáp.
+ Lúc đầu táo bón sau đó tiêu chảy phân vàng, vàng nâu hoặc nâu đỏ (lẫn máu), phân bết vào mông và đuôi có mùi thối khắm.
+ Trên da nhất là vùng da mỏng có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm như ở tai, mõm, bụng và 4 chân.
+ Vào giai đoạn cuối của bệnh, heo bị liệt 2 chân sau đi loạng choạng hoặc không đi được. Đối với heo nái mang thai dễ bị sẫy thai.
+ Trong trường hợp ghép với các bệnh khác như: phó thương hàn, tụ huyết trùng, tai xanh heo (PRRS), E.coli,. . . v.v thì các triệu chứng trên trầm trọng hơn và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.
- Thể mãn tính: heo tiêu chảy nhiều dễ dẫn đến gầy yếu, heo chết do kiệt sức; một số trường hợp heo có thể khỏi bệnh nhưng vẫn mang mầm bệnh.
3. Bệnh tích:
Mổ khám bệnh tích:
- Thể quá cấp: không có bệnh tích đặc trưng.
- Thể cấp tính:
+ Các cơ quan nội tạng bại huyết, xuất huyết nặng.
+ Hạch: tất cả đều sưng, tụ huyết và xuất huyết.
+ Ruột có nốt loét ở đường tiêu hóa, niêm mạc miệng, lưỡi tụ máu, dạ dày bị tụ huyết, xuất huyết thường nặng ở đường cong lớn, ở van hồi manh tràng xuất huyết có những vết loét hình cúc áo, có vòng tròn đồng tâm bờ vết loét cao phủ nhựa vàng.
+ Phổi bị xuất huyết, tụ huyết, nhiều vùng bị gan hóa và hoại tử.
+ Tim bị xuất huyết ở mỡ vành tim, ở ngoại tâm mạc, gan bị tụ huyết xuất huyết, túi mật có những điểm xuất huyết.
+ Lách có hiện tượng nhồi huyết ở rìa làm cho lách có hình răng cưa.
+ Thận có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm như đầu đinh ghim ở vỏ thận và tủy thận, bể thận ứ máu hoặc có cục máu, niêm mạc bàng quang bị tụ huyết, xuất huyết.
- Thể mãn tính: thường thấy ruột có những vết loét lõm sâu, bờ cao phủ nhựa vàng, phổi có thể bị viêm dính vào lồng ngực.
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy bệnh thường ghép với một số bệnh khác nên triệu chứng và bệnh tích có thay đổi tùy theo ghép với bệnh nào. Mặt khác, do đã tổ chức tiêm phòng vắc xin nhiều năm, nên nhiều trường hợp không phát hiện đầy đủ các bệnh tích điển hình nêu trên.
4. Giải pháp phòng ngừa:
1/ Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
2/ Chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định.
3/ Thực hiện “3 không”: không dấu khi heo mắc bệnh, không bán chạy heo bệnh và không vứt xác heo chết bừa bãi.
4/ Phòng bệnh bằng vắc xin: tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo định kỳ mỗi năm 2 lần.
- Lần 1: từ tháng 3 - 4.
- Lần 2: từ tháng 9 - 10.
- Tiêm phòng bổ sung vào các tháng còn lại đối với heo mới sinh, heo chưa được tiêm trong thời gian tiêm phòng định kỳ và tiêm nhắc lại đối với heo đã hết thời gian miễn dịch.
5. Tiêm phòng bệnh dịch tả heo như thế nào?
- Đối với heo con sinh ra từ heo mẹ đã được tiêm phòng: tiêm cho heo con từ 35 - 45 ngày tuổi;
- Đối với heo con sinh ra từ heo mẹ chưa được tiêm phòng: Có thể tiêm cho heo con 7 ngày tuổi, sau 3 tuần tiêm nhắc lại hoặc tiêm cho heo con 14 ngày tuổi, sau 2 tuần tiêm nhắc lại.
- Đối với heo nái mang thai: tiêm phòng trong thời gian mang thai từ 30 - 85 ngày của thai kỳ.
6. Thế nào là chăn nuôi an toàn sinh học?
- Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hàng ngày, cọ rửa máng ăn, máng uống.
- Sau khi xuất bán heo, phải quét dọn chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh nên để trống chuồng từ 5 - 7 ngày.
- Heo mới mua về phải cách ly ít nhất 7 ngày để theo dõi lâm sàng cho đến khi heo không có biểu hiện bệnh mới được nhập nnuôi chung với đàn heo cũ.
- Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, hạn chế khách tham quan vào chuồng trại./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao