Tin nông nghiệp Bệnh đốm vòng và đốm lá trên khoai lang

Bệnh đốm vòng và đốm lá trên khoai lang

Author Gia Nghi, publish date Friday. November 15th, 2019

Bệnh đốm vòng và đốm lá gây hại trên cây khoai lang có thể làm giảm năng suất và chất lượng nếu không phòng trừ kịp thời.

Biểu hiện của bệnh đốm vòng trên khoai lang.

Tiến sĩ Đinh Văn Thành, Chuyên gia nghiên cứu về cây trồng và bảo vệ thực vật cho biết: "Bệnh đốm vòng và bệnh đốm lá đều là các bệnh hại cây trồng do nấm làm tác nhân chính. Tùy theo các điều kiện sinh thái mà các bệnh này gây hại trên các cây trồng ở các mức độ khác nhau".

Nguyên nhân gây bệnh đốm vòng và đốm lá 

Bệnh đốm vòng do nấm Alternaria solani gây bệnh, phát triển thuận lợi ở điều kiện vào khoảng 26 độ C, nhiệt độ giới hạn là 12-38 độ C. Nấm Alternaria solani là loại đa thực, có thể gây bệnh trên nhiều loại cây và tồn tại trong củ giống, các bộ phận cây bệnh.

Bệnh đốm vòng thường có những biểu hiện như xuất hiện nhiều vết bệnh hình tròn nhỏ, màu nâu hoặc nâu đen mà trên các đốm màu đó có những ổ nấm đen nhỏ xếp thành các vòng tròn đồng tâm. Tiến sĩ Đinh Văn Thành cho biết, ban đầu bệnh thường hay xuất hiện ở mép lá, sau lan dần vào trong và khi bệnh nặng sẽ làm vàng lá, rụng lá và chết cây.

Bệnh đốm lá do nấm Cercospora sp gây bệnh, thường phát triển mạnh trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, chua. Biểu hiện thường gặp là những vết bệnh hình tròn đường kính 5 – 15mm màu nâu sậm, sau ngả dần sang màu đen. Các vết bệnh thường ít xuât hiện riêng rẽ mà tập hợp lại với nhau, chiếm hầu hết cả phiến lá. 

Nấm bệnh phát triển nhiều khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ từ 24 - 29 độ C. Nấm bệnh tồn tại trong các bộ phận cây bị bệnh, cỏ dại. Phương thức truyền bệnh qua gió mưa, nước, các côn trùng hại...Bệnh đốm vòng, đốm lá nói chung thường xảy ra vào mùa mưa, độ ẩm cao chứ ít xảy ra vào mùa khô.

Tiến sĩ Đinh Văn Thành cho biết: "Thông thường bệnh đốm vòng gây hại nặng sẽ làm giảm trực tiếp năng suất khoai lang. Nếu không phòng trừ kịp thời, bộ lá bị rụng nhiều không thể quang hợp và tích lũy chất khô tối đa cho củ thì củ khoai sẽ nhỏ, không ngọt mà có vị đắng". Ngoài ra, năng suất có thể giảm từ 60-70% hoặc thiệt hại hơn nữa, có thể gây chết cây mà không được thu hoạch do bệnh này thường phát triển vào thời kỳ cuối của cây.

Cách phòng bệnh đốm vòng và đốm lá

Để hạn chế tác hại của hai bệnh đốm vòng và đốm lá trên cây khoai lang, Tiến sĩ Đinh Văn Thành gợi ý bà con một số biện pháp hiệu quả, tránh ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường như sau:

- Không nên trồng khoai lang nhiều vụ trên cùng một mảnh đất mà cần thường xuyên luân canh cây trồng. Trước khi trồng khoai lang cần trồng cây khác họ hoặc tốt nhất thì trồng cây trồng nước càng tốt.

- Vệ sinh bằng cách đốt hết tàn dư thực vật trên đất chuẩn bị trồng khoai. Khử đất trước khi trồng bằng cách cày bừa phơi ải đất ít nhất 3-4 tuần. Sau đó, bà con cần khử lớp đất mặt bằng vôi bột (để trong 2 tuần) rồi bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục trộn với nấm Trichoderma và lân.

- Lưu ý, không bón đạm hóa học mà thay bằng đạm thực vật (chế bằng hạt đậu tương hoặc hạt ngô để bón), thường xuyên nhấc dây và thoát nước triệt để cho ruộng khi có mưa, vun kín cổ dây giai đoạn cuối vụ.


Related news

cach-phong-chong-sau-keo-o-dak-lak Cách phòng chống sâu keo… tu-dong-hoa-nen-nong-nghiep-nho-cong-nghe-hien-dai Tự động hóa nền nông…