Nuôi lợn (Heo) Bệnh gạo lợn và những điều cần biết phần 1

Bệnh gạo lợn và những điều cần biết phần 1

Author PGS.TS.Nguyễn Bá Hiên - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, publish date Tuesday. March 26th, 2019

Bệnh gạo lợn do sán dây Taenia spp. gây ra ở lợn, được tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) xếp hạng nguy hiểm nhất trong các bệnh ký sinh trùng truyền lây giữa động vật và người qua thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, kinh tế xã hội và thương mại.

1. TÁC NHÂN GÂY BỆNH

Bệnh gạo lợn (Porcine Cysticercosis) do ấu trùng Cysticercus cellulosae (C. cellulosae)gây ra , ấu trùng tạo thành các kén ký sinh ở cơ vân, não ở lợn và ở người. Kén trông giống như hạt gạo nếp nên gọi là “ Bệnh  gạo lợn”.C. cellulosae là ấu trùng của loài sán dây Taenia solium. Sán trưởng thànhký sinh ở ruột non của người. Ngoài ra, ấu trùng C. cellulosaecòn ký sinh ở lợn rừng, chó và  khỉ  (Fan,1988; Wandra et al., 2015). Ở người, ấu trùng sán Taenia soliumký sinh ở cơ vân, cầu mắt, cơ tim và não.

Ấu trùng C. Cellulosae có hình bầu dục, giống hạt gạo, kích thước mỗi ấu trùng khoảng 2 x 1,6 đến 8,6 x 3,8 mm, tỷ lệ chiều dài/rộng là 1,7/1; mỗi ấu trùng cấu tạo bên ngoài là lớp màng mỏng, bên trong chứa dịch trong; đầu sán màu trắng lộn vào trong, có 2 hàng móc, mỗi hàng có 11 – 16 móc (Fan, 1988).

Sán dây Taenia solium có chiều dài biến đổi từ 1,5 m – 8 m, gồm 700 đến 1000 đốt . Đốt sán màu trắng đục ngả vàng. Đốt trưởng thành chứa trung bình 446 tinh hoàn, buồng trứng được chia làm 3 thùy. Đốt sán chứa 5 – 11 nhánh tử cung, lỗ sinh dục đổ ra một bên (Fan, 1988). Đốt đầu gồm 4 giác bám có hai hàng móc, mỗi hàng gồm 11 – 16 móc; móc lớn dài 0,14 – 0,2 mm; móc nhỏ dài 0,09 – 0,16 mm (Loos – Frank, 2000).

Hình 1: Đốt sán trưởng thành 

Hình 2. Đầu của sán trưởng thành

Bệnh gạo lợn và sán dây Taenia solium phân bố ở tất cả các châu lục; lưu hành với tỷ lệ cao, hình thành các ổ dịch địa phương tại các nước phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, đặc biệt là những nơi người dân có điều kiện kinh tế kém phát triển, có phong tục nuôi lợn thả rong, ăn thịt lợn tái, sống.

Tại Việt Nam, bệnh gạo lợn và sán dây phân bố 50/63 tỉnh thành trong cả nước. Các nghiên cứu trước năm 1990 cho biết tỷ lệ nhiễm gạo lợn biến đổi tùy theo vùng miền và giảm dần theo thời gian nghiên cứu. Những năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ lợn và người nhiễm gạo giảm rõ rệt với 1 – 7,2% ở người và 0,03 – 0,9% ở lợn (Somers và cs., 2006; Van De và cs., 2014).

Hình 3: Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt (Nguồn: Báo Dân Trí )

2. VÒNG ĐỜI

Sán trưởng thành sống trong ruột non của vật chủ là người, chó và mèo, các đốt sán chứa đầy trứng, già thì rụng, theo phân ra ngoài tự nhiên rồi vỡ, giải phóng hàng vạn quả trứng, lợn và người ăn phải trứng sán dính vào rau xanh hay cỏ trong ao hồ.Trứng sán vào ruột sẽ nở thành ấu trùng,xuyên qua niêm mạc ruột, vào máu rồi di hành đến các nội tạng của vật chủ như gan, não,cơ tim,gốc lưỡi, cơ hoành cách, cơ mông, vai để tạo ra các nang ấu trùng.Nang ấu trùng có màu trắng đục kích thước 5-10×5-20mm trông giống hạt gạo nếp, trong nang có đầu ấu trùng và hàng móc bao quanh.Thời gian từ khi trứng nở đến khi hình thành ấu trùng trung bình là 60 ngày, ấu trùng có thể sống tại đó tối thiểu là một năm, dài nhất là 3- 6 năm mới chết và tạo ổ can xi hóa.

Người và các loài thú ăn thịt sống có mang ấu trùng sán sẽ bị nhiễm. Ấu trùng vào đến dạ dày, xuống ruột non sẽ ra khỏi nang phát triển thành sán dây trưởng thành sau khoảng 2 tháng nữa.


Related news

benh-gao-lon-va-nhung-dieu-can-biet-phan-2 Bệnh gạo lợn và những… 5-sai-lam-ve-an-toan-sinh-hoc-trong-trai-heo 5 sai lầm về an…