Nuôi bò Bệnh mới nổi do vi rút Schmallenberg (SBV) gây nên

Bệnh mới nổi do vi rút Schmallenberg (SBV) gây nên

Author Phan Quang Minh, publish date Thursday. January 7th, 2016

1. Mầm bệnh

1.1 Phân loại tác nhân gây bệnh

Vi rút được đặt tên theo địa phương Schmallenberg là nơi phát hiện vi rút đầu tiên.

Đây là loại vi rút ARN, có vỏ bọc, phân đoạn, thuộc họ Bunyaviridae, giống Orthobunyavirus. SBV có liên quan đến nhóm vi rút huyết thanh Simbu, cụ thể là vi rút Shamonda, Akabane và Aino.

Đến nay, số liệu giải trình tự gen cho thấy mối quan hệ gần với vi rút Shamonda.

Mặc dù vai trò chính xác của SBV cần được điều tra thêm, các thí nghiệm tiêm truyền ban đầu cũng như dữ liệu chẩn đoán cho thấy cừu và bê bị dị tật có mối liên hệ giữa sự xuất hiện của vi rút và các triệu chứng lâm sàng được ghi nhận.

1.2 Sức đề kháng

Nhiệt độ: SBV mất tính lây nhiễm (hoặc giảm rõ rệt) ở 50 – 600C trong ít nhất 30 phút.

Hóa chất/chất sát trùng: SBV mẫn cảm với các chất sát trùng thông thường (sodium hypochlorite 1%, glutaraldehyde 2%, ethanol, formaldehyde 70%).

Tồn tại: Vi rút không tồn tại bên ngoài vật chủ hoặc vật chủ trung gian trong thời gian dài.

2. Dịch tễ học

SBV gây bệnh trên động vật nuôi nhai lại. Ít có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Sự phân bố theo không gian và thời gian cho thấy bệnh trước tiên được lây truyền qua vật chủ trung gian sau đó lây truyền dọc theo nhau thai.

2.1 Vật chủ

Trâu, bò, cừu, dê là động vật cảm nhiễm. Không có thông tin về tính cảm nhiễm của động vật nhai lại hoang dã hoặc các loài động vật khác.

Điều đáng lưu ý là nhóm vi rút huyết thanh Simbu gây bệnh trên động vật nhai lại hoang dã và kháng thể của vi rút Akabane đã được ghi nhận trên ngựa, lừa, trâu, hươu, lạc đà và lợn.

Một số vi rút thuộc nhóm huyết thanh Simbu (vi rút Mermet, Peaton và Oropouche) cũng được phát hiện trên chim. Chuột có thể mắc bệnh trong điều kiện thí nghiệm.

Chưa có ca bệnh trên người được ghi nhận đối với SBV tại các khu vực có dịch và hầu hết vi rút thuộc giống Orthobunyaviruses không gây bệnh trên người.

Các đánh giá nguy cơ hiện tại cho thấy mặc dù chưa thể loại trừ nhưng mầm bệnh ít có khả năng gây bệnh trên người.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa ngành thú y và y tế là rất cần thiết nhằm phát hiện sớm các ca bệnh có thể xảy ra trên người, đặc biệt là người chăn nuôi và cán bộ thú y có tiếp xúc với động vật mắc bệnh.

2.2 Truyền lây

Sự lây truyền của SBV cần được nghiên cứu thêm, tuy nhiên giả thuyết dưới đây được đưa ra qua các điều tra dịch tễ và sự so sánh với các vi rút khác thuộc giống Orthobunyaviruses:

- Bệnh được truyền lây qua vật chủ trung gian (muỗi, muỗi vằn, côn trùng hút máu).

- Việc lây truyền qua nhau thai đã được chứng minh.

- Lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang động vật hoặc từ động vật sang người ít có khả năng xảy ra, tuy nhiên cần điều tra thêm.

2.3 Nhiễm trùng huyết và thời gian ủ bệnh

Gây nhiễm thí nghiệm trên bê xuất hiện triệu chứng nhẹ của bệnh trong khoảng 3 đến 5 ngày tiêm truyền và nhiễm trùng huyết trong 2 đến 5 ngày sau tiêm truyền. Chưa có dữ liệu trên dê và cừu (đến thời điểm tháng 2/2012).

2.4 Nguồn vi rút

Nguồn lây nhiễm là do vật chủ trung gian.

Vi rút đã được phân lập từ máu của động vật trưởng thành và thai bị nhiễm mầm bệnh, não thai nhiễm bệnh.

Nội tạng và máu của bào thai, nhau, dịch màng ối, phân của động vật sơ sinh.  

3. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng khác nhau theo loài gia súc: bò trưởng thành biểu hiện triệu chứng nhẹ, dị tật bẩm sinh xuất hiện trên các loài động vật nhai lại (bò, cừu, dê). Bò sữa và cừu có thể xuất hiện tiêu chảy.

Bò trưởng thành: sốt (>400C), suy sụp, chán ăn, giảm sản lượng sữa (tới 50%), tiêu chảy, hồi phục sau vài ngày đối với cá thể và 2-3 tuần đối với đàn.

Dị tật và chết ngay sau khi sinh: tràn dịch não, cứng liền khớp, chứng trẹo cổ, chứng vẹo xương sống. Tỉ lệ chính xác dị tật chưa được biết.

4. Phân bố bệnh

Chỉ có một số Orthobunyaviruses được ghi nhận tại Châu Âu: vi rút Tahyna thuộc nhóm huyết thanh California, tuy nhiên vi rút từ nhóm huyết thanh Simbu chưa từng được phân lập tại Châu Âu.

Giai đoạn đầu: SBV được phát hiện vào tháng 11 năm 2011 tại Đức trên các mẫu bệnh phẩm được lấy từ động vật mắc bệnh (sốt, giảm sản lượng sữa). Các triệu chứng tương tự (bao gồm tiêu chảy) được phát hiện trên bò sữa tại Hà Lan – nơi phát hiện SBV vào tháng 12/2011.

Giai đoạn hai: đầu tháng 12/2011, dị tật bẩm sinh được ghi nhận trên cừu mới sinh tại Hà Lan và SBV đã được phát hiện và phân lập từ mô não.

Đến tháng 2 năm 2012, Bỉ, Đức, Anh, Pháp, Luxembourg và Italia đã ghi nhận có các trường hợp chết non và dị tật bẩm sinh trên gia súc với kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SBV.

5. Phòng chống dịch

Hiện tại chưa có biện pháp điều trị bệnh đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh do SBV gây ra. Kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh theo mùa vụ có thể giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Phương pháp tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh được thực hiện để ngăn chặn SBV lây lan.

Từ những thông tin thu nhận được trong thời gian qua, Cục Thú y nhận định trong thời gian tới bệnh do SBV gây nên có nguy cơ xuất hiện và lây lan tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Để chủ động trong công tác giám sát phát hiện bệnh sớm, Cục Thú y đã yêu cầu các đơn vị liên quan liên hệ với các phòng thí nghiệm chẩn đoán quốc tế và chuẩn bị quy trình chẩn đoán, nguyên vật liệu cần thiết sẵn sàng phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm dịch bệnh do SBV gây nên.


Related news

benh-gao-bo Bệnh gạo bò huong-lai-tao-cac-giong-bo-chuyen-thit-o-viet-nam Hướng lai tạo các giống…