Cây cao su Bệnh Rụng Lá Cao Su

Bệnh Rụng Lá Cao Su

Publish date Thursday. August 22nd, 2013

Bệnh rụng lá cao su, do nấm Corynespora cassiicola gây ra, đã xuất hiện ở hầu hết các nước trồng cao su trên thế giới.

Bệnh xuất hiện ở nước ta từ khoảng giữa năm 1999, sau đó không phát triển mạnh nên ít được chú ý. Năm 2010, bệnh đã bộc phát gây hại nặng hàng chục ngàn ha cao su ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước… Hiện nay bệnh được coi là một trong vài loại bệnh nguy hiểm số một trên cây cao su ở nước ta. Đây là một bệnh khá mới đối với bà con, nên nhiều người tỏ ra lúng túng.

Bệnh thường gây hại nặng những vườn cao su đã khép tán trở đi, trên các dòng cao su vô tính (đặc biệt là RRIV4) và trong điều kiện thời tiết đang từ mưa chuyển sang nắng hạn... Bệnh làm rụng lá, chết chồi và nếu nặng có thể làm chết từng cành hoặc chết cả cây.

Trên lá: Vết bệnh mầu đen, có hình dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng dần, cuối cùng lá chuyển sang mầu vàng cam và rụng từng lá chét. Trên lá non, vết bệnh có hình tròn, mầu xám đến nâu với quầng vàng xung quanh, tại trung tâm vết bệnh đôi khi lá bị thủng thành lỗ. Nếu nặng lá sẽ bị biến dạng và rụng.

Trên chồi non và cuống lá: Có các vết nứt dọc hình thoi dài vài mm, mủ xì, sau đó hóa đen (trên chồi non vết nứt có thể dài tới 20mm) gây chết chồi, đôi khi chết cả cành, cả cây. Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét có thể bị rụng ngay khi phiến lá còn xanh, chưa có biểu hiện bị bệnh.

Trong quá trình ký sinh, nấm còn tiết ra chất độc (CC toxin) hợp chất này rất độc cho cây cao su, nên chỉ cần một vết bệnh nhỏ trên gân chính cũng đủ gây rụng lá.

Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

- Không trồng các dòng vô tính mẫn cảm với bệnh như RRIV4, RRIC 103, RRIC 104…

- Thu gom sạch sẽ lá bệnh rụng trên mặt đất, đưa xuống hố, rải vôi chôn hoặc đốt. Cưa bỏ cành bị bệnh chết, đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan.

- Tăng cường phân bón, bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Những vườn bị bệnh, nên giảm bớt đạm, tăng thêm 25% phân kali (so với quy trình) để tăng sức chống đỡ bệnh cho cây.

- Những cây bị hại nhẹ, nên giảm cường độ cạo, chuyển từ chế độ cạo D2 sang D3 (1 ngày cạo 2 ngày nghỉ). Nếu bị nặng, nên ngưng cạo hoàn toàn để dưỡng cây.

- Phải kiểm tra vườn cao su thường xuyên (đặc biệt là thời gian đang từ mưa kéo dài sau đó nắng nóng trở lại) để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện.

Để hạn chế tác hại của bệnh, vừa qua một số Chi cục BVTV đã tiến hành thí nghiệm tìm loại thuốc có hiệu quả. Sau đây là một số đề nghị của các cơ quan này:

- Chi cục BVTV Bình Dương đề nghị: Dùng 1,5 lít thuốc Carbenzim 500FL cộng với 2,5 lít thuốc Saizole 5SC và 2 lít dầu khoáng SK Enspray 99EC, pha trong 1.000 lít nước xịt cho 1 ha.

- Chi cục BVTV tỉnh BRVT đề nghị: Dùng 2 lít thuốc Carbenzim 500FL cộng với 2,5 lít thuốc Saizole 5SC và 2 lít dầu khoáng SK Enspray 99EC, pha trong 1.000 lít nước xịt cho 1 ha.

- Cục BVTV khuyến cáo sử dụng những thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Saizole 5SC nằm trong nhóm này), hoặc hỗn hợp những thuốc có hoạt chất Hexaconazole với thuốc có hoạt chất Carbendazim (Carbenzim 500FL nằm trong nhóm này) để phun xịt.

Khi sử dụng thuốc bà con cần lưu ý:

- Phải phun ướt đều mặt dưới của lá. Nếu nặng phải phun vài lần, cách nhau 7-10 ngày, cho đến khi bệnh ngưng phát triển.

- Nên vận động nhiều chủ vườn cùng phun đồng loạt trên diện rộng, để hạn chế bệnh từ ruộng không phun lây lan sang ruộng đã phun.

- Phải dùng những loại máy phun có áp lực cao, phun tơi sương và đưa được thuốc lên tận ngọn của cây để thuốc tiếp xúc được với các bộ phận bị bệnh.


Related news

che-pham-phan-bon-huu-co-sinh-hoc-at-8-3-8-cho-cay-cao-su Chế Phẩm Phân Bón Hữu… thanh-cong-trong-cao-su-do-cao-tren-700m-1 Thành Công Trồng Cao Su…