Mô hình kinh tế Bệnh Trắng Lá Mía Bùng Phát

Bệnh Trắng Lá Mía Bùng Phát

Publish date Saturday. July 26th, 2014

Người trồng mía TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) tiếp tục đối mặt với bệnh trắng lá mía bùng phát.

Bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp cánh đồng mía các xã Ninh Sim, Ninh Tây, Ninh Xuân...

Ông Trương Công Danh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim cho biết, niên vụ mía 2013-2014 toàn xã có 350 ha bị nhiễm bệnh trắng lá mía, thì năm nay theo thống kê ban đầu bệnh đã lan rộng lên 800 ha, với tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 10-20%, có nơi lên đến trên 50%. Bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các cánh đồng mía, cả diện tích trồng mới lẫn lưu gốc.

Hiện chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nên phá bỏ diện tích bị nhiễm bệnh nặng để tránh lây lan và chuyển sang đầu tư cây trồng khác như đậu, ngô, bắp để loại trừ mầm bệnh. Đặc biệt, không cho bà con lấy mía ở những vùng bị bệnh về làm hom giống.

“Vụ mía năm nay nhiều diện tích bị bệnh nên chúng tôi đã phá bỏ để đầu tư trồng mới và chuyển sang trồng cây màu khoảng 200 ha. Một số bà con muốn đầu tư cây trồng khác để tránh thiệt hại, nhưng vẫn chưa mạnh dạn bởi không biết trồng cây gì cho phù hợp và có đầu ra ổn định”, ông Danh nói.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng mía thuộc thôn Nông Trương với diện tích rộng lên đến trên 150 ha, nhưng có khoảng 60% diện tích bị nhiễm bệnh. Ông Bùi Đức Tuất, người ở thôn này than vãn: “Vụ mía năm ngoái với diện tích 3 ha gia đình tôi thu hoạch chỉ bán được 90 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí tôi lỗ hơn 20 triệu đồng. Nguyên nhân là do 1,5 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá làm giảm năng suất chỉ thu được hơn 20 tấn/ha.

Còn vụ mía năm nay tôi đã phá bỏ để đất trống chờ giống, nhưng thấy 1,5 ha mía lưu gốc còn lại (giống K95-156) bị trắng khắp ruộng, với tỷ lệ nhiễm bệnh trên 30% nên chắc không dám đầu tư…”.

Ông Tuất còn cho biết, bệnh này có tốc độ lây lan nhanh. Như đám mía nhà ông lúc đầu chỉ xuất hiện vài bụi nhưng chỉ sau vài tuần thì đã lan cả đám. Do vậy hiện nay ông không nhổ bỏ những bụi mía bị nhiễm nữa mà tiếp tục chăm sóc để tận thu, chứ không còn cách nào khác.

1 ha mía của hộ ông Võ Vào, người cùng thôn cũng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ hơn 30% diện tích (giống mía mới KPS trồng thử nghiệm vụ đầu).

Gặp chúng tôi ông Vào cho biết: “Do thấy các giống mía như Suphanburi 7, K95-156, K88-200, K93-219 đều bị nhiễm bệnh, nên vụ này tôi đầu tư gần 40 triệu đồng trồng giống mía mới KPS lấy từ nhà máy đường. Nhưng không ngờ giống mới cũng như giống cũ đều bị nhiễm tất”.

Tại xã Ninh Xuân, bệnh trắng lá mía cũng xuất hiện trở lại các ruộng mía ở các thôn Đức Lâm, Tân Mỹ. Bà Võ Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Xuân cho hay: "Tính đến nay đã có hơn 77 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá mía. Địa phương đang phối hợp với trạm BVTV TX Ninh Hòa kiểm tra khoanh vùng xử lý, gom tiêu huỷ để tránh lây lan. Khuyến cáo bà con tăng cường chăm sóc bón NPK cân đối để giúp những bụi mía không bị nhiễm bệnh “lướt” qua".

Theo trạm BVTV TX Ninh Hòa, toàn TX đã có 1.669 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá, tăng hơn so với năm ngoái, với tỷ lệ phổ biến từ 5-10%, có nơi trên 50%. Nguyên nhân do niên vụ trước bà con không chịu thực hiện biện pháp phòng trừ mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo, vẫn tiếp tục giữ mía lưu gốc hoặc không sử dụng biện pháp cách ly nguồn lây nhiễm hoặc chuyển đổi cây trồng.

Ông Trần Tự, Trưởng trạm BVTV TX Ninh Hòa cho biết, bệnh trắng lá mía do phytoplasma gây bệnh, chúng có đặc tính trung gian giữa vi rút và vi khuẩn. Bệnh lây truyền qua hom hoặc qua tác nhân trung gian là con rầy Matsumuratettix hiroglyphicus Mats.

Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh. Do vậy bà con cần áp dụng các biện pháp đồng bộ sau: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế lây lan.

Còn với những diện tích mía bị nhiễm nặng cần tiến hành cày tiêu hủy sau đó luân canh 1 - 2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía. Đối với diện tích mía chuẩn bị trồng mới nên chọn các loại giống năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh như K88-200, MY 5514, K84-200, ROC 16, Uthong 3…

Tuyệt đối không sử dụng hom giống ở những ruộng bị bệnh làm giống và trước khi trồng hom giống cần được xử lý ngâm nước nóng 50 - 54 độ C trong thời gian 60 phút hoặc với dung dịch kháng sinh ledermycin, tetracycline với nồng độ 500ppm để trừ phytoplasma.

Trạm BVTV TX Ninh Hòa khuyến cáo bà con bón phân cho cây mía đầy đủ và cân đối NPK theo quy trình. Nếu thấy xuất hiện bọ rầy, rệp sáp hại ở đốt mía, phun thuốc diệt trừ không để chúng lây lan bệnh trên đồng ruộng; có thể phun trừ bằng các thuốc như Bassa 50EC nồng độ pha 0,1 - 0,2%; Trebon 10ND nồng độ pha 0,1 - 0,2%.


Related news

tien-giang-khai-thac-loi-the-cay-so-ri Tiền Giang Khai Thác Lợi… yen-khanh-ninh-binh-xay-dung-nganh-san-xuat-nam-theo-huong-hang-hoa Yên Khánh (Ninh Bình) Xây…