Nuôi trâu Bệnh tụ huyết trùng trâu bò có biểu hiện bên ngoài thế nào? Cách phòng trị bệnh này?

Bệnh tụ huyết trùng trâu bò có biểu hiện bên ngoài thế nào? Cách phòng trị bệnh này?

Author Bùi Quý Huy, publish date Monday. April 16th, 2018

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Đó là loại vi khuẩn khá nhỏ, thường sống trong hạch amidan của một số trâu bò khỏe mạnh, nhất là ở những con không được tiêm phòng. Vi khuẩn cũng sống được nhiều ngày ở trong phân, rơm rác. trong đất chuồng nuôi. Khi gặp một số điều kiện thuận lợi kích thích thì những vi khuẩn này tăng cường độc lực và gây bệnh cho gia súc. Vì thế người ta gọi bệnh này là bệnh thổ nhưỡng.

Vi khuẩn dễ bị diệt bởi nhiệt độ và ánh sáng mặt trời cũng như bởi các hóa chất sát trùng.

Đường lây truyền

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ gia súc, sản phẩm của chúng đi xa hoặc qua dụng cụ chăn nuôi, chuyên chở. Bệnh có đặc điểm là có thể lây truyền từ trâu bò sang lợn và gà vịt và ngược lại.

Có hai cách phát sinh và lây truyền bệnh:

- Dịch lây lan từ nơi khác đến do đàn trâu bò mắc bệnh, thịt có mầm bệnh vào địa phương.

- Dịch có thể tự phát sinh tại chỗ theo kiểu thổ nhưỡng như đã nêu ở trên rồi lây lan đi nơi khác.

Biểu hiện bên ngoài

Thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ từ 1-3 ngày.

Thề quá cấp tính:

Con vật sốt cao 41-42 độ C, đột ngột trở nên hung dữ, điên cuồng, chết trong vòng 24 giờ. Thể này ít có biểu hiện gì đặc trưng.

Thể cấp tính

Thể này rất phổ biến, con vật sốt cao 41-42°C, bỏ ăn, lờ đờ, nước mũi nước mắt chảy nhiều. Niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ sẫm rồi tái tím. Vùng hầu sưng to làm lưỡi thè ra ngoài. Hạch bên cổ sưng to, thở khó và nặng nề, đi lại khó khăn. Lúc đầu táo bón, sau lại ỉa lỏng phân có lẫn máu và niêm mạc ruột, bụng chướng to. Con vật nằm liệt, đái ra máu nước tiểu có mùi khai đặc biệt, vật lịm yếu dần rồi chết trong 1 - 2 ngày. Tỷ lệ chết cao 80 - 90% nếu không chữa bệnh kịp thời.

Thể mãn tính

Một số trâu bò vượt qua được giai đoạn cấp tính thường chuyển sang thể mãn tính. Con vật đi lại khó khăn do viêm khớp, viêm phổi, viêm phế quản. Phân lúc táo lúc lỏng, ãn uống giảm sút, gầy yếu. Phần lớn những con bệnh này đều chết do suy kiệt. Một số ít có sức chịu đựng thì những biểu hiện này nhẹ dần và khỏi, nhưng phải hàng tháng sau mới hồi phục.

Phòng trị bệnh

Điều trị

Chủ yếu hiện nay là dùng thuốc kháng sinh.

Có thể dùng một số kháng sinh sau đây:

- Streptomycin 4 - 6g cho mỗi trâu bò, tiêm bắp thịt mỗi ngày 1 lần. Tiêm liền trong 4-5 ngày. Từ ngày thứ 3 trở đi có thể giảm liều còn 2/3 so với liều ngày đầu.

- Kanamycin 10ml/100kg thể trọng/ngày.

- Gentamycin 6 - 8ml/100kg thể trọng/ngày

- Penicillin + Streptomycin: 2g/100kg thể trọng/ngày.

Các thuốc hỗ trợ con vật:

Cafein, Vitamin B1, B complex, Vitamin c tiêm hàng ngày theo liều chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Có thể tiếp các dung dịch điện giải như dung dịch NaCl 0,9% có glucose 5% 1000ml mỗi ngày.

Phòng bệnh

- Tiêm văcxin phòng bệnh cho gia súc 2 lần/năm.

- Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, chăn thả hợp lý, không để trâu bò làm việc quá sức.

- Giữ vệ sinh chuồng trại.

- Không đưa gia súc ốm, sản phẩm gia súc có bệnh vào địa phương.

- Gia súc chết nghi bệnh phải chôn sâu đổ vôi cục, vôi bột vào hố chôn, lấp đất thật kỹ và khai báo với thú y.

- Khi vận chuyển gia súc đi xa, không được nhốt quá chật và che mưa nắng, cho ãn uống đầy đủ để tránh bệnh phát ra trong quá trình vận chuyển.

(Nguồn: Một trăm câu hỏi đáp về bệnh gia súc-gia cầm / Bùi Quý Huy . - H.: Nông nghiệp, 2012. - 184tr., 21cm.- Đăng ký cá biệt: VB20103237)


Related news

che-bien-than-la-ngo-lam-thuc-an-cho-trau-bo Chế biến thân lá ngô… chua-benh-tu-huyet-trung-cho-trau-bo Chữa bệnh tụ huyết trùng…