Mô hình kinh tế Bí Quyết Nuôi Tôm Cầu Ngang (Trà Vinh)

Bí Quyết Nuôi Tôm Cầu Ngang (Trà Vinh)

Publish date Thursday. November 17th, 2011

Bà con huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đang rất phấn khởi vì có thêm vụ nuôi tôm sú trúng lớn. Năm nay, sản lượng tôm thu hoạch của huyện đạt 13.000 tấn, tăng gần 3.000 tấn so vụ nuôi năm 2010. đây là mùa tôm thứ 5 liên tiếp người nuôi tôm sú ở Cầu Ngang trúng lớn. Đâu là phép màu…?

Tỷ phú ngày một nhiều

Mấy năm qua, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang nổi lên nhiều hộ giàu nhờ nuôi tôm sú theo mô hình công nghiệp dạng “ao nổi”. Kết thúc vụ nuôi tôm sú năm 2010, ở vùng tôm xã Mỹ Long Nam có 17 hộ trở thành tỷ phú nuôi tôm sú, hàng ngàn hộ trở thành triệu phú, như hộ ông Nguyễn Văn Hồ thả nuôi diện tích 2,7 ha, lãi hơn 2,2 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Sen thả nuôi 700.000 con giống, diện tích 3,6 ha, thu lãi hơn 2 tỷ đồng; ông Mai Bảo Quốc thả nuôi 3,3 ha, lãi 2,7 tỷ đồng; ông Trần Văn Gia thả nuôi 2,8 ha, lãi 2,4 tỷ đồng… Năm nay, nơi đây lại tiếp tục xuất hiện thêm nhiều tỷ phú mới nhờ con tôm sú.

Ông Nguyễn Văn Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, cho biết: Vụ nuôi tôm năm 2011, toàn xã có 911 hộ thả nuôi 187,2 triệu con tôm giống trên diện tích 720 ha (tăng hơn 100 ha và 61,25 triệu con giống so với cùng kỳ). Phần lớn diện tích nuôi tôm của xã là theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, trong đó, diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp chiếm hơn 50% diện tích nuôi của xã. Tính đến ngày 20/9, 866 hộ đã thu hoạch, với diện tích 684 ha (chiếm khoảng 95% diện tích thả giống), với năng suất thu hoạch đạt 3-3,5 tấn/ha đối với nuôi bán công nghiệp, 5-6 tấn/ha đối với nuôi công nghiệp, một số vùng nuôi công nghiệp đạt từ 8-12 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch đến nay đạt 4.382 tấn tôm thương phẩm, tăng gần 1.000 tấn so với cùng thời điểm của vụ nuôi năm 2010; với giá tôm nguyên liệu từ 125.000 - 275.000 đồng/kg (tùy loại).

Tương tự, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) cũng xuất hiện ngày một nhiều hộ tỷ phú tôm sú. Ông Trương Văn Linh, ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, một trong những tỷ phú ở xã, hồ hởi khoe: “Gia đình tôi liên tiếp 3 mùa nuôi tôm thắng lớn. Vụ tôm 2011, tôi thả nuôi 490.000 con trên diện tích 3 ha mặt nước, kết quả thu hoạch hơn 15 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 1,2 tỷ đồng”. Tương tự, hộ ông Huỳnh Văn Dương ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông nhờ tuân thủ lịch thời vụ nên trúng tôm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010, ông tâm đắc nói: “Nuôi tôm sú không nên vội, ta nên chọn 1 vụ ăn chắc, thời gian còn lại tranh thủ cải tạo ao, học tập kinh nghiệm của những địa phương khác, tạo môi trường và kiến thức nuôi tốt cho vụ sau”. Năm 2011, ông Dương thả 420.000 con giống trên diện tích 1,8 ha, sau 4,5-5 tháng nuôi thu hoạch 13 tấn tôm sú, lời 1,1 tỷ đồng. Vui lây với những hộ đã thu hoạch xong, ông Nguyễn Thanh Mọng, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, cười khà khà: “Năm nay tôi thả nuôi 300.000 con trên diện tích 1,3 ha mặt nước, thấy tôm phát triển khá quá, với đà này ước tính thu trên 10 tấn cầm chắc đồng lãi trên 1 tỷ đó nghen”.

Bí quyết

Bí quyết nào dân nuôi tôm trúng mùa liên tiếp? Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông trả lời tự tin: Nhờ tập trung truyên truyền vận động nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp xây dựng hàng năm cho từng vùng và từng địa phương; tăng cường phối hợp kiểm tra chặt chẽ chất lượng con giống; tuyên truyền người nuôi phát huy được ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường nước công cộng; sự hỗ trợ của ngành chuyên môn tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cũng như phòng - trị bệnh cho tôm nuôi để đạt được hiệu quả ngày càng cao.

Ông Dương Tấn Đởm - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang: Hầu hết nông dân nuôi tôm trong huyện đã biết áp dụng quy trình nuôi tôm sú ít thay nước hoặc cấp nước bổ sung kết hợp sử dụng men vi sinh. Hiệu quả rất cao, năng suất tôm từ 6-7 tấn/ha/vụ, một số vùng nuôi lên đến 10-12 tấn/ha/vụ.

Kỹ sư Nguyễn Tuấn Tú - cán bộ phụ trách thủy sản xã Hiệp Mỹ Đông, người trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho nhiều hộ nuôi tôm ở đây, cho hay: Nông dân nuôi tôm bây giờ tay nghề cao lắm, kinh nghiệm thực tế nhiều, tuân thủ lịch thời vụ thả giống, biết quan sát sức khỏe tôm nuôi, tôm mạnh hay yếu, biết phương pháp xử lý tốt, áp dụng kỹ thuật tiến bộ đó là nhờ tác động của ngành chuyên môn.

Ông Nguyễn Thanh Mọng, ở ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, nói: “Muốn biết tôm giống khỏe mạnh hay không thì cho tôm vào cái thau đầy nước, ta khuấy vài vòng trong thau tạo dòng nước chảy, nếu con tôm nào lội ngược dòng thì đó là tôm khỏe mạnh và ngược lại. Hoặc có thể đánh giá sức khỏe tôm sú giống bằng kỹ thuật gây sốc với hóa chất, thông thường là formalin (hay formol). Ta cho 100 đến 200 con tôm giống vào xô có 10 lít nước được pha sẵn 2 cc formol. Sau 30 phút, nếu thấy tôm chết không quá 5% so với số tôm đã thả là đạt yêu cầu. Tiếp đến, các bước thả nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, người nuôi tôm vùng này, chúng tôi ai cũng thuộc nằm lòng”


Related news

co-so-nuoi-ca-tam-lon-nhat-the-gioi Cơ Sở Nuôi Cá Tầm… ca-voi-chet-hang-loat-tren-bo-bien-new-zealand Cá Voi Chết Hàng Loạt…