Dưa hấu Biện Pháp Khắc Phục Bệnh Chạy Dây Trên Dưa Hấu

Biện Pháp Khắc Phục Bệnh Chạy Dây Trên Dưa Hấu

Publish date Tuesday. August 20th, 2013

Bệnh chạy dây trên dưa hấu do nấm fusarium oxysporium hoặc vi khuẩn pseudomonas lacrymans gây ra. Chúng tôi xin hướng dẫn cách phân biệt từng triệu chứng cụ thể như sau:

Bệnh chạy dây do nấm fusarium oxysporium: Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn cây có trái non trở về sau. Trên dây dưa, ngọn héo rũ vào buổi trưa và tươi lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Hiện tượng này sẽ xảy ra trong vài ngày, sau đó cây chết. Trước khi héo, lá cây có màu xanh vàng từ các lá gốc lan dần lên các lá bên trên. Đặc điểm nhận diện bệnh: Khi chẻ dọc phần gốc thân, bên trong thấy mô bị biến màu nâu đỏ, quanh gốc có đóng lớp bào tử nấm màu hồng, rễ bị thối và có màu mật o­ng.

Nấm bệnh lưu tồn trong xác bã cây bệnh hay trong đất. Nấm xâm nhiễm vào hệ rễ, nhất là khi rễ bị thương tổn do úng nước hay do tuyến trùng cắn phá. Những ruộng dưa được trồng liên tục nhiều năm, mầm bệnh sẽ gia tăng mật số, thiệt hại có thể lên đến 70%.

Phòng trị bệnh: Làm đất thông thoáng, lên luống cao, thoát nước tốt. Sau mỗi vụ nên vệ sinh tiêu hủy hết xác bã thực vật. Tránh để ruộng ngập úng, làm thương tổn bộ rễ. Trước khi trồng cần xử lý đất để diệt tuyến trùng bằng các loại thuốc hạt. Có thể bón thêm phân chuồng hoặc tro trấu. Nếu phát hiện có dây dưa bị bệnh nên nhổ bỏ và tiêu hủy, tránh nguồn bệnh lây lan. Nên luân canh với những cây khác họ bầu, bí, dưa. Có thể phun trị bằng Ridomil, Cuzate M8, Benomy l 50WP…

Bệnh chạy dây do vi khuẩn pseudomonas lacrymans: Cây cũng có triệu chứng héo mất nước giống như bệnh héo dây do nấm fusarium oxysporium gây ra, nhưng cây chết nhanh trong vòng 1 - 2 ngày, trong khi bộ lá vẫn còn xanh nên bệnh còn được gọi bệnh héo tươi. Trên lá có các đốm bệnh nhỏ màu vàng sậm đến nâu đỏ, bị giới hạn bởi các gân lá tạo nên đốm có dạng hình góc cạnh. Ở mặt dưới lá nơi vết bệnh có thể tiết những giọt dịch màu nâu đỏ. Đôi khi đốm bệnh khô làm cho lá có những mảng rách. Trên trái, bệnh gây thối vỏ ăn sâu dần vào trong thịt trái.

Phòng trị bệnh: Bệnh này rất khó phòng trị bằng thuốc hóa học, cần áp dụng những biện pháp tổng hợp như: Dùng hạt giống không mang mầm bệnh hay phải khử độc hạt bằng kasuran (5 gram/lít nước, ngâm hạt trong một giờ), tiêu hủy xác bã thực vật sau mỗi mùa vụ, phơi đất và lên luống cao thoát nước tốt, luân canh để tránh lây lan bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Có thể phun trị bằng thuốc Starner 20WP, Visen 20SC.


Related news

trong-va-cham-the-nao-de-dua-hau-ngon-ngot-1 Trồng Và Chăm Thế Nào… bien-phap-khac-phuc-benh-chay-day-tren-dua-hau Biện Pháp Khắc Phục Bệnh…