Biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng đối với gia súc
Những ngày thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường dễ tạo điều kiện cho virus lở mồm long móng sinh sôi, phát triển và gây bệnh trên đàn lợn. Đây là bệnh nguy hiểm có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch, gây thiệt hại nặng cho bà con.
Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra trên động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu,… Bệnh có tính chất lây lan rất nhanh, mạnh và xa là đại dịch lưu hành gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Khi con vật mắc bệnh thể độc lực cao tỷ lệ chết ở gia súc bệnh lên đến 50%, đặc biệt đối với lợn con tỷ lệ chết có thể đến 100%.
Nguyên nhân gây bệnh LMLM là do một loại virus có hướng thượng bì gây ra. Hiện nay có 7 type virus là A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3 và Asia1 gây bệnh. Ở Việt Nam đã phát hiện bệnh gây ra bởi 3 type A, O và Asia1. Virus thường xuất hiện trong mụn, dịch lâm ba, máu, nội tạng và các chất thải, chất bài tiết của con vật bị bệnh.
* Triệu chứng lâm sàng:
Thời gian ủ bệnh từ 3 – 5 ngày, con vật sốt cao 40 – 410C, bỏ ăn, ủ rũ, đứng lên, nằm xuống khó khăn. Hình thành mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, vành móng, kẽ móng chân và đầu vú. Khi các mụn nước vỡ ra tạo thành các vết loét ở miệng, vành móng, bệnh nặng có thể long móng và làm cho con vật không đi lại được, đối với gia súc non tỷ lệ chết rất cao do virus làm hoại tử cơ tim và con vật không bú được do mụn loét ở miệng, lợi, lưỡi.
Đối với trâu, bò khi bị bệnh con vật chảy nhiều nước bọt lúc đầu trong, lỏng, sau đục tạo thành sợi (như bọt bia), con vật kém ăn hoặc bỏ ăn.
Sau khi phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật từ 3-4 tuần (đối với lợn), 4 tháng (đối với dê), 9 tháng đối với cừu, 2-3 năm (đối với trâu, bò) và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
* Đường truyền lây:
- Lây trực tiếp: Gia súc khỏe tiếp xúc trực tiếp với gia súc mắc bệnh LMLM và các chất bài tiết của gia súc mắc bệnh hoặc gia súc mang mầm bệnh LMLM có chứa virus như: phân, nước tiểu, nước bọt, sữa...
- Lây gián tiếp: Thông qua vận chuyển, buôn bán gia súc từ vùng đang có dịch sang vùng chưa có dịch (truyền qua dụng cụ chăn nuôi, bảo hộ lao động, phương tiện vận chuyển, …) có chứa mầm bệnh.
* Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh:
- Khi chưa có dịch LMLM xảy ra: Thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Mua con giống khỏe mạnh, biết rõ nguồn gốc từ vùng không có dịch bệnh LMLM, chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng 1 lần/tuần. Kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn gia súc phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của gia súc. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc: Đặc biệt là bệnh LMLM.
- Khi phát hiện gia súc của gia đình mắc bệnh người chăn nuôi cần thực hiện :
+ Khai báo ngay với nhân viên Thú y xã, trưởng thôn và chính quyền địa phương.
+ Không giết mổ, bán chạy gia súc mắc bệnh và gia súc nhốt chung đàn với gia súc mắc bệnh.
+ Nuôi cách ly gia súc mắc bệnh trong gia đình theo quy định, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
+ Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương và Quy định của pháp luật về thú y. Đồng thời người chăn nuôi gia súc phải thực hiện tốt 6 không: Không giấu dịch; Không bán chạy gia súc bị bệnh; Không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; Không ăn thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; Không ăn tiết canh gia súc bị bệnh; Không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, phải tiêu hủy theo quy định.
* Lưu ý: Bệnh LMLM gia súc do virut gây ra, hiện nay chưa có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Vì vậy, tiêm phòng vắc xin LMLM và chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao