Mô hình kinh tế Bình Định Kết Thúc Vụ Nuôi Tôm Năm 2014 Lại Điệp Khúc “Được Mùa, Rớt Giá”

Bình Định Kết Thúc Vụ Nuôi Tôm Năm 2014 Lại Điệp Khúc “Được Mùa, Rớt Giá”

Publish date Monday. October 6th, 2014

Năm 2014, toàn tỉnh Bình Định có 2.180 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện khá nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, thực hiện mô hình nuôi tôm cộng đồng… nên hầu hết các địa phương đã hạn chế được tình trạng dịch bệnh, năng suất tôm đạt khá. Tuy nhiên, do giá tôm thường xuyên nằm ở mức thấp làm cho thu nhập của người nuôi tôm giảm sút.

Sản lượng tăng, dịch bệnh giảm

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Năm nay, việc nuôi tôm trong tỉnh gặp không ít khó khăn do tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các vùng nuôi tôm... Tuy nhiên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và người nuôi tôm nỗ lực khắc phục các khó khăn, triển khai vụ nuôi tôm thắng lợi.

2 vụ nuôi tôm trong năm, toàn tỉnh đã thả nuôi trên diện tích 2.180 ha mặt nước ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tôm thẻ chân trắng (TTCT) gần 460 ha, còn lại là nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác.

Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 1.900 ha, tổng sản lượng 3.858 tấn, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng TTCT đạt 3.584 tấn, chiếm gần 93% tổng sản lượng và tôm sú đạt 274,5 tấn. Năng suất bình quân TTCT đạt 7,6 tấn/ha/vụ; tôm sú đạt bình quân 300 kg/ha/vụ.

Theo ngành chức năng, tình trạng dịch bệnh tôm nuôi trong năm nay đã được khắc phục đáng kể. Tính chung cả 2 vụ nuôi, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 22,5 ha, chiếm tỉ lệ 1% tổng diện tích nuôi tôm cả năm; trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng 10,3 ha, bệnh do môi trường 12,2 ha. Một số vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh như xã Phước Hòa, Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), Hoài Hải, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn)..., trong niên vụ vừa qua đã giảm đáng kể.

Dịch bệnh tôm được khống chế thành công là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tại các vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm.

Ngoài ra, công tác khuyến ngư cũng được tăng cường, mô hình nuôi tôm cộng đồng được nhân rộng, các mô hình trình diễn nuôi tôm thân thiện với môi trường, nuôi tôm quảng canh cải tiến được xây dựng rộng khắp, góp phần hạn chế dịch bệnh tôm nuôi đến mức thấp nhất.

Tại các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương và người nuôi tôm xây dựng quy chế nuôi tôm cộng đồng cụ thể và bắt buộc các hộ phải thực hiện nghiêm chỉnh. Các hộ nuôi tôm trong các chi hội nuôi tôm cộng đồng phải thực hiện đúng lịch thời vụ; ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa phải được cải tạo, diệt khuẩn; con giống phải được kiểm tra kỹ mầm bệnh; khi dịch bệnh tôm xảy ra, ngành chức năng và người nuôi tôm bao vây, khống chế kịp thời.

Niềm vui chưa trọn

Theo khảo sát, vụ nuôi tôm năm 2014 này, toàn tỉnh có trên 80% hộ nuôi tôm được mùa, nhưng hầu hết người nuôi tôm không vui, vì giá tôm năm nay khá thấp, giảm từ 20 - 30% so với mọi năm, đầu ra khó khăn. TTCT có giá bình quân cả vụ từ 110 - 120 ngàn đồng/kg (tôm cỡ 80 - 100 con/kg); tôm sú 160 - 170 ngàn đồng/kg (tôm 40 - 50 con/kg); giảm bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một hộ nuôi tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: Năm ngoái, 1 kg tôm thẻ chân trắng (từ 80-100 con) có giá từ 130 - 140 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay giá tôm giảm làm cho thu nhập của người nuôi giảm sút. Có thời điểm, giá TTCT tại địa phương chỉ còn 90.000 - 100 ngàn đồng/kg; giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Giá tôm thấp, đầu ra cũng khó khăn do thương lái chê tôm xấu. Những năm trước, đến thời điểm thu hoạch tôm, riêng xã Phước Sơn có từ 5 - 7 thương lái đến tranh mua, nhưng năm nay chỉ có một thương lái đặt cơ sở mua tôm. Vì thế, người nuôi thường xuyên bị ép giá.

Ông Trần Văn Nghị, một hộ nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), cho biết thêm: Vụ nuôi tôm năm nay tôi nuôi 1 ha TTCT, năng suất 7,5 tấn/ha/vụ, tưởng sẽ trúng đậm, nhưng khi thương lái đến xem tôm chỉ trả với giá mua xô 95.000 đồng/kg, giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg so với năm 2013. Giá tôm thấp, trong khi suất đầu tư cho nuôi tôm năm nay tăng khá cao do giá tôm giống, thức ăn, nhân công đội lên từng ngày. Đầu vụ, một bao thức ăn 20 kg cho tôm có giá 650 ngàn đồng nhưng đến giữa vụ tăng lên 750 ngàn đồng/bao. Chi phí sản xuất tăng, trong khi giá tôm giảm nên lãi không đáng kể.

Ông Võ Đình Tâm cho biết thêm: Nguyên nhân làm cho giá tôm thấp hơn mọi năm là do cả nước được mùa tôm, trong khi các nhà máy chế biến thủy sản (CBTS) không giải quyết hết lượng tôm nguyên liệu tại các địa phương ven biển, nên xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) CBTS chưa đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm nên đã xảy ra tình trạng “ép cấp, ép giá” trong thu mua nguyên liệu.

Để phát triển nuôi tôm bền vững, tạo sự ổn định về giá cả, đã đến lúc cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các DN CBTS để sản phẩm của người dân có nơi tiêu thụ ổn định. Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp, vận động các DN CBTS trên địa bàn tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm; tạo mối liên kết hài hòa giữa người chăn nuôi với DN; tránh để tái diễn điệp khúc “được mùa, mất giá”.


Related news

htx-rau-an-toan-go-cong-tung-buoc-khang-dinh-thuong-hieu HTX Rau An Toàn Gò… kien-quyet-ngan-chan-buon-ban-va-che-bien-tom-co-tap-chat Kiên Quyết Ngăn Chặn Buôn…