Mô hình kinh tế Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện Hoài Nhơn gây ô nhiễm môi trường

Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện Hoài Nhơn gây ô nhiễm môi trường

Publish date Friday. July 31st, 2015

Qua tìm hiểu, phong trào nuôi cá trên đất vườn hiện đang diễn ra rầm rộ và phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hoài Nhơn như thị trấn Tam Quan, xã Hoài Mỹ, xã Hoài Hải… Từ một vài hộ lẻ tẻ ban đầu, đến nay, toàn huyện có vài chục hộ nuôi. Người nuôi chỉ cần có diện tích đất vườn rộng là có thể cải tạo, trải bạt làm hồ nổi trên mặt đất nuôi cá; mỗi lứa nuôi kéo dài từ 5 - 8 tháng. Thế nhưng, việc nuôi tự phát ngay trong khu dân cư mang lại nhiều hệ lụy đáng báo động.

Đơn cử tại xã Tam Quan Nam có 6 hộ dân đào ao, lót bạt nuôi cá tràu tự phát. Mỗi nhà đào ít nhất 3 - 4 ao, có nhà 5 - 6 ao; mỗi ao có diện tích khoảng vài chục đến một trăm mét vuông, mật độ cá nuôi trong ao dày đặc. Điều đáng nói là tại các hộ nuôi cá này, không nhà nào có hệ thống xử lý chất thải. Các hộ nuôi cá xả chất thải từ ao cá như thức ăn thừa, phân cá ngay trong vườn nhà, chảy ra ngoài đường đi hoặc xả trực tiếp ra sông, gây mùi hôi tanh nồng nặc.

Tỉ như hộ ông Nguyễn Xuân (thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam), để nuôi cá, ông đã đào cả thảy 5 ao ngay trong vườn nhà; sau đó, trải bạt làm hồ nổi để thả nuôi. Nước thải chưa qua xử lý từ 5 hồ cá này xả thẳng ra sông ở địa phương.

Trả lời câu hỏi việc nuôi cá ngay trong vườn nhà, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, liệu có gây ô nhiễm môi trường, ông Xuân nói vô tư: “Nước thải ở đây (hồ nuôi - PV) là chất thải sinh học, không có chất độc hại nào đâu. Hơn nữa, tôi nuôi cả năm nay, có ai nói gì đâu… Nếu có ô nhiễm chắc là mấy hồ nuôi dưới kia (thôn Trung Hóa-PV) thôi!”.

Một hộ dân ở thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, bức xúc: “Họ (người nuôi cá - PV) xả nước thải tràn lan, khiến các giếng nước bị nhiễm bẩn, có mùi hôi tanh. Đáng lo hơn, các hộ này khoan giếng sâu để bơm lấy nước nuôi cá làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nhiều giếng ở đây luôn trong tình trạng cạn khô. Mùa mưa vừa qua, ruồi, muỗi phát sinh rất nhiều dễ dẫn đến dịch bệnh”.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Xã đã mời các hộ đào ao nuôi cá gây ô nhiễm môi trường tới làm việc và viết cam kết chấm dứt nuôi và tháo dọn hồ trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 31.12.2015. Trường hợp, các hộ dân này không chấp hành, địa phương buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ và xử phạt vi phạm hành chính”.

Còn ông Phạm Văn Chung, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, nhìn nhận: “Ngoài những tác động xấu đến môi trường, việc các hộ nuôi cá tràu tự phát trên diện tích đất vườn chưa được chuyển mục đích sử dụng đất là hành vi vi phạm Luật Đất đai. Tất cả các trường hợp vi phạm, chúng tôi đều đã đi kiểm tra; hiện nay, chúng tôi đang cùng các đơn vị có liên quan lên danh sách, hoàn tất hồ sơ để trình Chủ tịch UBND huyện xem xét, để có hướng xử lý phù hợp”.

Về vấn đề này, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, khẳng định: “Việc nuôi cá tự phát trong vườn nhà gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xả thải gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư... Vì vậy hiện nay, huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý”.

“Tình trạng người dân ở huyện Hoài Nhơn đào ao, trải bạt nuôi cá nước ngọt trong vườn là tự phát; đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu dân cư. Vì vậy, cơ quan hữu quan huyện Hoài Nhơn cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý rốt ráo vấn đề này”. (Ông VÕ ÐÌNH TÂM - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sở NN&PTNT tỉnh)


Related news

nhung-luu-y-trong-cham-soc-lua-vu-mua Những lưu ý trong chăm… hon-160-ha-tom-nuoi-bi-dich-benh-chua-ro-nguyen-nhan Hơn 160 ha tôm nuôi…