Bình Thuận Đưa Chuối Già Lùn Lên Vùng Cao La Dạ
Trong tháng 8/2014, giống chuối già lùn nuôi cấy mô sẽ được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đưa lên trồng thí điểm tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).
Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận.
Với thời gian thực hiện đến tháng 3/2016, dự án này hướng đến mục tiêu đào tạo được 6 kỹ thuật viên nắm vững các quy trình công nghệ chuyển giao từ Viện Sinh học nhiệt đới.
Đồng thời, sản xuất khoảng 14.000 cây chuối già lùn cấy mô đạt tiêu chuẩn cây giống tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận để cung cấp cho mô hình. Tiếp nữa là xây dựng thành công và chuyển giao quy trình trồng, thâm canh cây chuối già lùn bằng giống nuôi cấy mô với tổng diện tích 5 ha tại xã La Dạ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận, trồng chuối nuôi cấy mô không những đảm bảo sạch bệnh mà còn tăng năng suất từ 15 - 20% so với trồng từ chồi hay củ chuối. Thực tế cho thấy, ưu điểm lớn nhất của giống cây trồng này là chuối ra hoa đồng loạt, buồng chuối đồng đều, chất lượng đồng hạng, thu hoạch đồng loạt…
Mặt khác, chi phí cho mỗi ha trồng nuôi cấy mô chỉ tương đương chi phí trồng bằng chồi. Tính toán hiệu quả kinh tế, 1 ha chuối nuôi cấy mô có thể cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng (tùy mật độ trồng), tức bằng giá trị sản phẩm của 3,8 ha trồng lúa, 6 ha trồng ớt hoặc 10 ha trồng lạc…
Sau khi xuống giống đợt đầu tiên tại xã La Dạ, mô hình hy vọng khoảng 12 tháng tới thì lứa chuối già lùn nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch buồng thứ nhất, tiếp đến 8 - 10 tháng nữa là buồng thứ hai. Ngoài đem lại thu nhập từ buồng trái, hầu như toàn bộ sản phẩm của cây chuối có thể sử dụng làm thức ăn gia súc, nguyên liệu dùng trong đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, bán lá tươi…
Dự kiến 1 ha trồng được 2.500 cây chuối già lùn nuôi cấy mô, sau 12 tháng hộ tham gia mô hình thu hoạch sản lượng khoảng 40 tấn chuối. Với giá bán 5.000 đồng/kg, bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao này có thể đạt doanh thu lên đến 200 triệu đồng cho mỗi ha. Sau khi trừ chi phí, đem lại thu nhập trung bình cho người dân La Dạ hơn 53 triệu đồng/ha.
Vùng cao La Dạ, là địa bàn tập trung đông bà con dân tộc K’ho, Tày, Mường, Chăm… và hiện có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao với khoảng 40%.
Chính vì vậy, dự án này là cơ hội để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, dự án còn hướng đến hình thành vùng thâm canh cây chuối nhằm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, xóa bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy theo mùa. Và nếu giống cây trồng này được tập trung nhân rộng, sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc cho La Dạ (địa bàn có đồi núi chiếm 94% diện tích tự nhiên), đồng thời ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ môi trường.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao