Mô hình kinh tế Bò ngoại trên đất khó

Bò ngoại trên đất khó

Publish date Tuesday. May 19th, 2015

Sướng như... bò Úc

Đó là cảm nhận của nhiều người khi tham quan trang trại chăn nuôi bò rộng hàng trăm héc-ta của Công ty TNHH Liên hợp công – nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ tại thôn 8, xã Ea Lai (huyện M’Drak). Trước khi vào khu vực trại bò, người tham quan phải mang áo bảo hộ đầy đủ, nhúng giày, dép vào hồ nước nhỏ (pha hóa chất diệt khuẩn) trước cổng trại, các phương tiện mang theo được khử trùng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh cho bò. Trang trại khang trang gồm 6 chuồng nuôi nhốt, với hệ thống xử lý chất thải đi kèm, phòng giết mổ theo tiêu chuẩn của Úc, phòng để dụng cụ…

Khu trại nhốt được xây dựng với ba chắn song làm bằng kẽm chắc chắn, cao 1,5 m, trần nhà lợp tôn lạnh thoáng đãng. Gần 500 chú bò trên 1 năm tuổi vạm vỡ được nuôi nhốt trong 4 lán chuồng rộng rãi, thoáng mát thiết kế theo kiểu mái hờ che nửa chuồng còn nửa chuồng để trống cho bò tắm nắng mỗi sáng. Khác hẳn với giống bò nội địa, giống bò Brahman và Droughmaster nhập khẩu từ Úc kháng ruồi, muỗi, ve, đều đặn 2 ngày/lần, đàn bò được di chuyển từ chuồng này sang chuồng khác để vệ sinh nền chuồng, nên gần như không có sự hiện diện của các loài vật ký sinh gây hại, hay mùi hôi thối thường thấy trong trang trại chăn nuôi.

Và khẩu phần ăn của những chú bò này cũng rất cao cấp, đầy đủ chất dinh dưỡng với cỏ VA06 tím, trắng hoặc cây bắp (2 tháng tuổi) cắt khúc 10 – 15 cm trộn đều với rỉ mật, bột bắp bằng máy chuyên dụng cho bò ăn 3 lần/ngày. Anh Nguyễn Văn Hợi, một công nhân nuôi bò tại trang trại cho biết, gia đình anh cũng nuôi bò ta từ bao đời nay, bò thường bị xâu mũi dắt đi, buộc vào gốc cây, đánh, đuổi bằng roi… nhưng với bò Úc thì điều đó bị cấm tuyệt đối. Những chú bò to lực lưỡng gần 1 tấn nhưng trông chúng rất hiền; một chuồng gần 100 con sống chan hòa, gần như không xảy ra xô xát.

Ông Đặng Thái Nhị, Giám đốc Công ty cho biết, ngành công nghiệp thịt bò của Úc có lịch sử hơn 200 năm, sự kết hợp của trang trại và các nhà chế biến cùng với môi trường chăn nuôi hoang sơ đã tạo nên chất lượng bò thịt cao nhất thế giới. Đặc biệt, công nghệ di truyền học phát triển, đi đầu với các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, chú trọng đến tâm lý của bò nên tốc độ tăng trưởng cao, đạt 1,5 kg/con/ngày. Trung bình mỗi con bò Úc trưởng thành nặng từ 600 – 700 kg/con, giá bán dao động 65.000 – 70.000 đồng/kg hơi, 200.000 – 300.000 đồng/kg thịt, tương đương với giá thịt bò nội, nhưng phẩm cấp thịt cao và ngon hơn nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đang mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân địa phương…

Chặng đường còn lắm gian nan

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH Liên hợp công – nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ được chia làm 3 giai đoạn: bò thịt vỗ béo, bò sinh sản, bò sữa, trị giá gần 300 tỷ đồng do đơn vị đầu tư hiện đã hoàn thành giai đoạn I - vỗ béo 1.700 con bò, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan.

Ông Vương Xuân Hiến, Phó Giám đốc Công ty cho biết, số bò vỗ béo trên đạt trọng lượng 600 – 700 kg/con, tốc độ tăng trưởng đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa hạch toán kinh tế được, bởi hệ thống chuồng trại, nhà xưởng, phương tiện máy móc mới được xây dựng và đưa vào hoạt động lần đầu, vẫn còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa.

Đơn cử như hệ thống hàng rào kẽm bao quanh chuồng nuôi vẫn còn thấp, cần phải nâng cấp thêm, thay thế máy vệ sinh chuồng trại, nâng cấp nhà giết mổ gia súc theo tiêu chuẩn của Úc, năng suất cỏ trồng bấp bênh, mùa mưa đạt 60 – 80 tấn/ha, mùa khô chỉ còn 25 – 40 tấn/ha, nếu không tính toán kỹ, sẽ khó cân đối thức ăn cho bò, nhất là trong mùa khô… Để có đủ lượng thức ăn cho bò, Công ty phải ký kết với các hộ dân lân cận để thu mua bắp cây 2 tháng tuổi của người dân, với mức giá 700 đồng/kg, tương đương 45 – 50 triệu đồng/ha, cao gấp 1,3 lần so với trồng bắp lấy hạt.

Hiện 116 con bê con sinh ra ở trang trại đều khỏe mạnh, phát triển tốt, nhưng vẫn là giống bò ngoại nhập (nhập khẩu bò mẹ mang thai), còn 100 con phối giống tại Việt Nam vẫn chưa chào đời, nên chưa thể khẳng định được giống bò được phối giống trong nước chất lượng ra sao...

Ngoài ra, theo quy hoạch của dự án, trang trại bò của công ty rộng 1.513 ha nhưng hiện nay mới chỉ bàn giao trên giấy tờ 944 ha, chủ yếu là đất đồi sỏi đá, xâm canh bởi nhiều hộ gia đình từng có đất nằm trong vùng dự án nên vẫn chăn thả trâu bò ngang qua khu vực trang trại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc nhập ngoại của công ty. Ông Hiến mong các cấp, ngành cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời giúp đơn vị giải quyết khó khăn để dự án sớm hoàn thành, qua đó góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại.


Related news

thao-go-kho-khan-trong-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc Tháo gỡ khó khăn trong… nghe-nuoi-trau-o-phuoc-thang-binh-dinh Nghề nuôi trâu ở Phước…